Người tiêu dùng lo ngại với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

(NTO) Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều này đã khiến nhiều người tiêu dùng e ngại khi sử dụng sản phẩm thịt heo và thịt gà.

Là người thường xuyên mua thịt heo để chế biến thức ăn cho gia đình, nhưng hiện nay, chị Nguyễn Thị Tâm (phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đã chuyển sang thịt bò và thực phẩm từ thủy sản. Chị Tâm cho biết, từ khi nghe báo chí phản ánh về tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là việc sử dụng chất tạo nạc để heo tăng trọng nhanh và thịt có màu sắc đẹp, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng đã khiến chị rất lo lắng, vì vậy chị rất hạn chế sử dụng thịt heo.

 

Khu vực bán thịt heo tại chợ Phan Rang khá trầm lắng.

Đến tìm hiểu tại các quầy kinh doanh thịt heo tại chợ Phan Rang, chị Nguyễn Thị Phương Dung, người bán thịt heo tại đây, cho biết: Từ khi có thông tin về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại một số tỉnh, thành phố đã khiến nhiều người dân trong tỉnh “quay lưng” với thịt heo, họ chuyển qua mua các loại thực phẩm khác nên các quầy bán thịt heo gần đây tiêu thụ rất chậm.

Theo ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý chợ Phan Rang, các loại thực phẩm thịt tươi sống khi đưa vào chợ tiêu thụ đều phải có dấu chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, tuy nhiên tâm lý e ngại của người tiêu dùng đối với thịt heo và thịt gà đã tăng lên rõ rệt. Nếu như trước đây một quầy thịt heo có thể bán hết 1 con/ ngày thì nay chỉ bán được một nửa, thậm chí chỉ ¼ con.

Thực tế cho thấy việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là hành vi vô cùng nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm nguy hại đến các hộ chăn nuôi “chân chính”. Các chất cấm chủ yếu trong chăn nuôi là chất Salbutamol dùng để tạo nạc, làm cho thịt heo đẹp hơn để bán với giá cao, hay như chất Vat Yellow (vàng ô) trộn vào thức ăn chăn nuôi để nhuộm vàng gà trong thời gian vỗ béo. Tại tỉnh ta, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tuy chưa đến mức nghiêm trọng, song công tác phòng ngừa, ngăn chặn việc kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang được các ngành chức năng coi là nhiệm vụ cấp bách. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), từ năm 2010 đến nay trên địa bàn tỉnh cũng đã phát hiện 5 vụ có liên quan đến việc kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong đó có 2 cơ sở kinh doanh thức ăn và thuốc thú y, 1 cơ sở chăn nuôi, 2 cơ sở giết mổ heo, đã ra quyết định xử phạt hành chính và tịch thu 264 gói thức ăn bổ sung có chứa chất cấm Salbutamol. Riêng trong năm 2015, qua kiểm tra cũng đã phát hiện 1 mẫu thịt heo có hàm lượng chất Salbutamol vượt quá giới hạn cho phép. Đây là chất tạo nạc, bị cấm sử dụng vì thuộc nhóm gây ra độc hại khi sử dụng các sản phẩm thịt.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 31 trại chăn nuôi heo thịt từ 100 con trở lên, 63 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và 71 cơ sở giết mổ. Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNN, các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và đặc biệt là ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở chăn nuôi heo, gà, nuôi tôm; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật. Ông Trần Công Minh, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNN, cho biết: Từ nay đến Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao, đồng thời các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, buôn bán thực phẩm gia súc tươi sống cũng hoạt động mạnh, vì vậy Thanh tra sở và các đơn vị chức năng sẽ tập trung kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi heo tập trung, nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định, đồng thời truy suất nguồn gốc xuất xứ chất cấm trong thức ăn để xử lý triệt để.

Để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, quan trọng nhất vẫn là ý thức, trách nhiệm của các hộ chăn nuôi, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và các cơ sở giết mổ. Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra của các ngành chức năng cũng phải được tăng cường thực hiện thường xuyên.