Từ năm 2013 đến nay, hệ thống thủy lợi dẫn nước từ hồ Trà Co và đập dâng Ma Lâm được đầu tư hoàn chỉnh, đưa nước vào tận đồng ruộng, địa phương đã cải tạo thành công 31ha đất gò đồi thành ruộng bậc thang và hướng dẫn kỹ thuật để người dân chuyển sang trồng lúa nước. Dù bước đầu mới làm quen với mô hình canh tác mới, nhưng bà con hưởng lợi rất phấn khởi, năng suất lúa luôn đạt từ 3,5-4 tấn/ha.
Xã Phước Tân đang cải tạo ruộng bậc thang cho người dân trồng lúa nước.
Thấy được hiệu quả của mô hình, năm 2015, huyện Bác Ái tiếp tục đầu tư trên 1,5 tỷ đồng để cải tạo, chuyển đổi thêm 75ha đất màu sang đất trồng lúa ở 2 xã Phước Tân và Phước Tiến; trong đó, xã Phước Tân có 32ha. Nhờ đó, sau 3 năm thực hiện việc cải tạo đồng ruộng, diện tích trồng lúa nước ở xã Phước Tân đã tăng lên 96ha.
Đồng chí Pi Năng Ngọc, Chủ tịch UBND xã Phước Tân, cho biết: Việc mở rộng diện tích lúa nước không chỉ phù hợp với quy hoạch phát triển của xã, mà còn biến nhiều vùng đất hoang hóa trước đây thành những cánh đồng bằng phẳng, chủ động được nguồn nước tưới, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đầu tư thâm canh tăng năng suất, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển.
Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa rộng 30ha đang phát triển xanh tốt tại thôn Ma Ty và Đá Trắng, anh Pi Năng Quang, cán bộ nông nghiệp xã, cho biết: “Khu vực này trước đây là những vùng đất hoang hóa không sản xuất. Nhưng từ khi được huyện đầu tư cải tạo thành đồng ruộng để chuyển sang trồng cây lúa nước thì bà con đã sản xuất được 3 vụ/năm. Nhờ đó, giúp nhiều hộ dân đảm bảo được lương thực, không phải lo đói giáp hạt như trước đây”. Ông Pi Năng Bốn, thôn Đá Trắng, phấn khởi cho biết: Trước đây, bà con chỉ biết trồng bắp, đậu, mỳ. Nhưng từ khi được Nhà nước quan tâm cải tạo đồng ruộng, cán bộ nông nghiệp xuống tận nơi hướng dẫn cách làm đất, gieo sạ, chăm sóc…, nên mỗi vụ, 5 sào ruộng của gia đình luôn cho thu hoạch khoảng 2 tấn lúa (bình quân mỗi sào 4 tạ), không còn lo thiếu gạo như trước đây.
Chủ trương mở rộng diện tích cây lúa nước không chỉ giúp người dân đảm bảo được lương thực, từng bước nâng cao đời sống cho bà con đồng bào Raglai, mà còn khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Tiến Mạnh