Công tác trồng rừng thay thế còn nhiều bất cập

(NTO) Thực hiện Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3-3-2006 của Chính phủ về công tác trồng rừng thay thế, trên các diện tích đất lâm nghiệp có rừng khi chuyển mục đích sử dụng, thời gian qua, tỉnh ta đã chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm trồng rừng thay thế, phải tuân thủ đúng quy định như phương án đã được phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay, công tác này vẫn còn chậm và chưa thật sự đạt hiệu quả.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng diện tích trồng rừng thay thế chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh được phê duyệt là 394ha, với sự tham gia của 24 chủ đầu tư dự án. Công tác này được thực hiện trên lâm phần của 6 đơn vị lâm nghiệp, gồm: Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Krông Pha, Ban QLRPH ven biển Ninh Phước, Ban QLRPH đầu nguồn hồ Sông Trâu, Ban QLRPH đầu nguồn hồ Sông Sắt, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn và Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn chăm sóc cây trồng trên lâm phần đơn vị.

Thế nhưng, qua rà soát, tính đến cuối tháng 9-2015, toàn tỉnh mới chỉ có 11 chủ đầu tư thực hiện trồng rừng thay thế được 160ha; hơn 92ha đang triển khai trồng và còn gần 142ha chưa được các đơn vị thực hiện. Đặc biệt, qua kiểm tra đánh giá thực trạng các diện tích rừng đã được trồng thay thế cho thấy, hiệu quả rất thấp, trong đó diện tích trồng rừng có mật độ cây sống trên 50% chỉ đạt khoảng 31% so với tổng diện tích được UBND tỉnh phê duyệt. Tỷ lệ sinh trưởng của hầu hết các diện tích rừng đã trồng thay thế ở mức sinh trưởng kém, nguy cơ cây chết rất cao. Một số diện tích rừng trồng đã kết thúc giai đoạn đầu tư nhưng vẫn chưa đạt các tiêu chuẩn để cơ quan chuyên ngành nghiệm thu.

Điển hình như tại lâm phần của Ban QLRPH Krông Pha, trên địa bàn xã Lâm Sơn (Ninh Sơn). Tổng diện tích phương án trồng rừng thay thế phải thực hiện tại đơn vị là 14,4ha. Mục đích chuyển đổi sử dụng thay thế từ Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 27 tỉnh Ninh Thuận. Chủ đầu tư ban đầu là Ban Quản lý các dự án giao thông tỉnh Ninh Thuận, nhưng sau đó, UBND tỉnh đã chuyển giao trách nhiệm thực hiện cho Ban QLRPH Krông Pha thực hiện. Theo kế hoạch, trong năm 2010, đơn vị đã tiến hành trồng 9,12ha và năm 2011 trồng hơn 5ha. Tuy nhiên, hầu hết các diện tích trồng thay thế của đơn vị thực hiện đều không đạt chỉ tiêu về trồng rừng thay thế đã được phê duyệt như: Tỷ lệ cây sống rất thấp, hiện nay mật độ bình quân cây sống chỉ đạt 163 cây/ha, trong khi đó phương án phê duyệt là 500 cây/ha. Không những thế, loại cây triển khai trồng thay thế là cây mít ghép, đây là loại cây trồng không đảm bảo tính ổn định và bền vững của rừng thay thế và hiện trạng đất trồng là đất nương rẫy của hộ dân địa phương. Vì vậy, hầu hết các diện tích trồng rừng của đơn vị dù đã được thực hiện nhưng lại không phù hợp với mục tiêu chính của trồng rừng thay thế đối với các diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định.

Hay tại, Ban QLRPH ven biển Ninh Phước, tổng diện tích rừng thay thế phải trồng trên lâm phần của đơn vị là 106,2ha, có 9 chủ đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ trồng được 28,7ha, đạt 27% so với kế hoạch và trong 28,7ha đã trồng thì có đến 15,4ha rừng các chủ đầu tư trồng sai hiện trạng cho phép (trồng xen lẫn trong hiện trạng rừng Ic và IIa). Do đó, dẫn đến tình trạng chất lượng của việc trồng rừng thay thế không đạt yêu cầu theo quy định của Nhà nước và làm chậm tiến độ trồng rừng theo kế hoạch.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, kết quả của việc trồng rừng thay thế đạt thấp và chưa thật sự hiệu quả là có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do các chủ đầu tư, sau khi ký hợp đồng trồng rừng thay thế đều không triển khai trồng đúng với thời gian quy định, không thực hiện các nhiệm vụ về nghiệm thu, kiểm tra, giám sát công tác trồng rừng đúng phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Không những vậy, trong quá trình triển khai trồng rừng thay thế, công tác chọn hiện trạng trồng rừng của các đơn vị chưa phù hợp với mục tiêu trồng thay thế, một số diện tích trồng xen lẫn trong hiện trạng rừng Ic và IIa (hiện trạng không cho phép trồng rừng tập trung) và một số diện tích lại trồng trên đất rẫy của hộ dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thiều, Chi Cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, cho biết: Để chấn chỉnh vấn đề này, thời gian tới, đơn vị tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư dự án chỉ được trồng rừng thay thế bằng các loại cây lâm nghiệp, ưu tiên trồng hỗn giao các loại cây bản địa hoặc các loại cây lâm nghiệp trong nhóm cây chịu hạn của tỉnh ta. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã kiến nghị UBND tỉnh bố trí đất trồng rừng thay thế bằng loại đất lâm nghiệp có hiện trạng đất trồng Ia, Ib, không bố trí đất nương rẫy của hộ dân. Riêng đối với các phương án đã hết thời hạn trồng rừng mà chủ đầu tư chưa thực hiện, sẽ yêu cầu chủ đầu tư xây dựng lại phương án, để thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi trồng rừng thay thế, nếu phát hiện trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng nghĩa vụ trồng rừng sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần đưa công tác bảo vệ, phát triển rừng ngày một hiệu quả hơn.