Khó khăn trong nhân rộng mô hình trồng nấm linh chi đỏ

(NTO) Nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị cây trồng trong điều kiện đất sản xuất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp, vừa qua, Phòng Kinh tế Tp.Phan Rang- Tháp Chàm phối hợp với Trung tâm Thông tin- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tỉnh thực hiện dự án “Ứng dụng mô hình trồng nấm linh chi đỏ”, bước đầu cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình đã gặp một số khó khăn.

Cây trồng giá trị kinh tế cao

Dự án được thực hiện từ tháng 6-2015, với kinh phí 145 triệu đồng, có 4 hộ dân tham gia trồng nấm linh chi đỏ trên diện tích 120m2 (30m2/hộ). Mỗi hộ được hỗ trợ 6 triệu đồng chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước tưới; 1 mô-tơ bơm mước; 2.500 phôi giống. Toàn bộ phôi giống và kỹ thuật trồng nấm do Trung tâm cung cấp và hướng dẫn. Qua hơn 4 tháng trồng thử nghiệm, nấm đã cho thu hoạch. Trên diện tích 30m2, trung bình mỗi hộ thu được hơn 70kg nấm tươi, qua công đoạn sấy khô, lượng nấm thu được khoảng 25kg.

Mô hình trồng Nấm Linh chi đỏ của gia đình anh Nguyễn Thanh Phong.

Anh Nguyễn Thanh Phong, (ở khu phố 8, phường Tấn Tài) cho biết: Nấm linh chi đỏ cho giá trị kinh tế cao nhưng lại rất dễ trồng và khá thích hợp với khí hậu ở tỉnh ta. Công chăm sóc ít nên bà con tranh thủ lúc nông nhàn cũng có thể thực hiện được. Tuy nhiên, người trồng phải tuân thủ nghiêm về kỹ thuật thì mới cho năng suất và chất lượng tốt. Nhà trồng phải tuyệt đối sạch, mát mẻ, được bao lưới để ngăn chặn côn trùng xâm nhập gây hại cho nấm. Đồng thời phải luôn duy trì độ ẩm từ 80-90%, nhiệt độ đảm bảo khoảng 29-30 độ C, ánh sáng vừa phải… Nếu chăm sóc tốt, phôi nấm có thể cho ra 3 đợt thu hoạch trong vòng 6 tháng, năng suất trung bình từ 70-75 kg nấm tươi/đợt. Sau thu hoạch, nấm cần được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ 40-50 độ C0, có thể bảo quản được trong vòng 6 tháng, nếu được bảo quản trong môi trường chân không có thể lên đến 1 năm. Được xem là thảo dược quý có nhiều tác dụng như: ổn định, điều hòa huyết áp; phòng, hỗ trợ bệnh tiểu đường; làm đẹp… nên hiện trên thị trường nấm linh chi đỏ có giá rất cao. Nấm sau khi chế biến và đến tay người tiêu dùng có giá khoảng 1 triệu đồng/kg, thậm chí cao hơn.

Cần giải quyết đầu ra

Mặc dù hiệu quả như vậy nhưng các hộ tham gia trồng thử nghiệm lại hết sức phân vân trong việc nhân rộng mô hình. Lý do là gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Đứng cạnh 3 bao nấm linh chi đỏ của gia đình, anh Phong chia sẻ: Sau khi thu hoạch, tôi đã giới thiệu sản phẩm với nhiều người nhưng hơn nữa tháng nay vẫn chưa bán được kg nào. Đây là dược liệu quý, tuy nhiên bà con mình lâu nay ít ai sử dụng, hơn nữa giá lại khá cao nên khó tiêu thụ”. Trong 25 kg nấm của gia đình anh, nấm loại 1 chiếm hơn phân nữa, còn lại là nấm loại 2. Nếu bán thô, nấm loại 1 ít nhất cũng có giá 700 ngàn đồng/kg, còn loại 2 khoảng 600 ngàn đồng/kg. Một số hộ khác, qua tìm hiểu, lượng nấm bán được không nhiều, chủ yếu là bán lẻ cho bạn bè, người thân…

Để góp phần giúp các hộ trồng nấm giải quyết đầu ra sản phẩm, tạo cơ sở mở rộng mô hình, trong quá trình thực hiện dự án, Trung tâm Thông tin- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã liên hệ một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tìm đối tác ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tuy nhiên việc làm này cũng hết sức khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm cho biết: Giá thu mua mà các doanh nghiệp đưa ra khá thấp, từ 300-400 ngàn đồng/kg và yêu cầu sản phẩm phải có nhãn mác...

Trên thực tế, địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm nói riêng và cả tỉnh nói chung cũng đã có một số hộ trồng nấm linh chi đỏ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu đa số chỉ thực hiện với quy mô nhỏ lẻ, theo kiểu tự phát, khâu tiêu thụ chủ yếu bán lẻ cho người tiêu dùng. Với cách làm này, người trồng nấm có thể bán được giá nhưng lượng tiêu thụ lại ít, không ổn định. Chưa kể một số hộ chưa thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật, chất lượng phôi giống không đảm bảo nên năng suất, chất lượng chưa cao.

Như vậy, để nhân rộng mô hình trồng nấm linh chi đỏ, ngoài các yếu tố về kỹ thuật, chất lượng phôi giống, vấn đề đầu ra cho sản phẩm là hết sức quan trọng. Để giải quyết vấn đề này, ngoài ý thức của người trồng nấm trong việc bảo đảm sản phẩm chất lượng, rất cần chính quyền địa phương, ngành chức năng hỗ trợ trong việc tìm kiếm đầu ra sản phẩm ổn định. Chị Trương Thị Tố Trinh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế Tp.Phan Rang- Tháp Chàm, Chủ Dự án cho biết: Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều mô hình trồng nấm linh chi đỏ ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh mang lại lợi nhuận, thu nhập cao, nên hiện nay có nhiều hộ dân đã đến tìm hiểu với mong muốn thực hiện mô hình này. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo bà con không nên sản xuất theo kiểu tự phát, phong trào để tránh tình trạng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.