Nông dân xã Nhơn Hải (Ninh Hải) liên kết trồng tỏi gắn với thị trường tiêu thụ. Ảnh: Sơn Ngọc
Theo thống kê, chỉ tính trong năm 2015 này ngoài gần 230 ngàn tấn lúa hàng hóa thì tổng sản lượng nho có thể đạt đến hơn 26 ngàn tấn, tăng 11% so năm năm trước, táo xanh trên 37.380 tấn... Ngay cả lúa mặc dù chưa đủ “chuẩn” và sản lượng cần thiết để xuất khẩu nhưng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng nắng, gió đã tạo nên hạt gạo “no tròn” với hàm lượng tinh bột cao thích hợp để làm nguyên liệu sản xuất các loại bún gạo có chất lượng... Những năm qua, thực hiện chính sách tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, cụ thể là bằng mối liên kết “4 nhà”: nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông đã mang lại những kết quả nhất định. Diện tích cây trồng được các doanh nghiệp “đặt hàng” bao tiêu trọn gói trên dưới vài ngàn ha, có nơi như HTX Hữu Đức (Ninh Phước) được một doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu hợp đồng sản xuất trên 55 ha lúa với đầu ra ổn định, giá cao hơn giá bình quân trên thị trường. Với chừng ấy diện tích cũng chưa phải đã đem lại nguồn lợi lớn cho nông hộ nhưng ý nghĩa lớn hơn là qua sự hợp tác này đã mang lại chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao ,đáp ứng theo yêu cầu của thị trường. Có thể xem đây là “hình mẫu” để các HTX năng động tìm kiếm mối liên kết. Sản xuất giống lúa, bắp lai cũng là thế mạnh trong liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua mô hình kinh tế tập thể. Qua đó, mỗi năm đã đưa ra thị trường hàng ngàn tấn sản phẩm chất lượng... Thế nhưng, thực tế cần phải nhìn nhận rằng con số đã nêu còn quá nhỏ so với tổng diện tích sản xuất hàng năm của tỉnh. Qua tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các nông hộ vẫn còn sản xuất đơn lẻ cả “đầu vào” lẫn “đầu ra” và “thụ động” chấp nhận sự điều tiết giá cả của tư thương, mua giá nào hưởng giá đó mà lẽ ra phải có sự “đàm phán” cụ thể bởi một tổ chức đứng ra lo. Cũng có lý do là sản lượng hàng hóa từng hộ làm ra không lớn do diện tích không nhiều nên... sao cũng được, chấp nhận “điệp khúc được mùa mất giá”, thậm chí mất mùa cũng không được giá như vụ nho, táo vừa rồi!. Một thực tế khác là “nhà” khoa học cũng chưa thực sự “vào cuộc” để giúp nông hộ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm bằng những giống cây trồng tốt, phù hợp với yêu cầu thị trường. Mặc khác, vai trò của “nhà nước” mà cụ thể là sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền sở tại, nhất là trong việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng những cánh đồng lớn, điều kiện để sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường. Một khi còn sản xuất đơn lẻ, “mạnh ai nấy làm” thì quả là khó để nhà nông thực hiện liên kết với “3 nhà” kia.
Suy cho cùng, liên kết là xu thế tất yếu để phát triển trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, để các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thực sự có “chỗ đứng” trên thị trường trong nước nhất là các sản phẩm “đặc sản”, yêu cầu đặt ra là ngoài sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và ngành liên quan trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư, liên kết, hỗ trợ... trong lĩnh vực này thì ngay bản thân nhà nông cũng cần đổi mới “cách nghĩ, cách làm” thông qua liên kết sản xuất, tạo ra “cánh đồng” lớn cả về diện tích và năng suất, sản lượng. Nếu cứ “giữ” tư duy “tự sản tự tiêu” thì khó vượt qua được “chính mình” để thực sự làm giàu trên đất đai hiện có.
TD