Do nước thấm đều trên ruộng, kể cả những khu vực gò đồi, những nơi độ dốc cao nên cây mía phát triển tốt. Đáng nói là, thiết bị tưới do Công ty tự thiết kế sản xuất với giá thành rẻ, gọn nhẹ, được nông dân đầu tư sử dụng ngày càng nhiều. Ban đầu các hộ trồng mía chỉ lắp đặt từ 1 - 2 bộ thử nghiệm, sau khi sử dụng, thấy được hiệu quả, nhiều hộ đầu tư lắp đặt thêm 3-4 bộ. Nhiều mô hình tưới tiết kiệm được triển khai nhân rộng, đảm bảo cho cây mía phát triển quanh năm trong điều kiện thời tiết nắng hạn kéo dài. Trước đó các hộ ông Võ Phương, Phan Dũng, Phan Mỹ, Nguyễn Trọng Tuấn (Quảng Sơn) đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào sản xuất mía cho năng suất vượt trội.
Nông dân xã Công Hải (huyện Thuận Bắc) ứng dụng thiết bị cơ giới chăm sóc mía. Ảnh: Sơn Ngọc
Ông Vũ Thành Châu, Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang, cho biết: Hạn chế lớn nhất trong sản xuất mía lâu nay là chi phí đầu vào cao, năng suất thấp. Nếu từ bây giờ không đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ thì 2 năm nữa khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, mía đường Việt Nam nói chung, ở tỉnh ta nói riêng khó cạnh tranh được với mía đường các nước trong khu vực. Để tránh xảy ra tình trạng “người nông dân phải làm thuê trên chính phần đất của mình”, không riêng gì niên vụ mía vừa qua Công ty mới quan tâm hỗ trợ nông dân chuyển giao các mô hình sản xuất mới, mà trước đây hoạt động này cũng đã được chú trọng. Cụ thể, Công ty cung cấp cho nông dân một số giống mía mới có năng suất cao như: K88-92, K95-84, K95-156, YM55-14 đưa vào trồng trên quy mô lớn; đồng thời, có những chính sách hỗ trợ mua sắm máy móc phục vụ sản xuất mía, giảm được chi phí trong khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch. Niên vụ mía 2014 - 2015, Công ty đầu tư hơn 400 triệu đồng hỗ trợ nông dân vùng trồng mía xã Phước Tiến (Bác Ái) mua thiết bị trồng mía hàng đôi và thiết bị chăm sóc mía.
Thành công từ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất mía từ 50 tấn/ha trước đây lên 60 - 70 tấn/ha hiện nay, chi phí đầu vào cũng giảm được 1/3 so với tập quán canh tác truyền thống. Tuy nhiên, trên thực tế chương trình sản xuất mía ứng dụng công nghệ cao chỉ mới dừng lại ở một số hộ nhỏ lẻ, phạm vi hẹp. Ngoài vùng nguyên liệu mía Quảng Sơn, Mỹ Sơn (Ninh Sơn) là những nơi triển khai tốt và nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm, còn các vùng khác như huyện Bác Ái, Thuận Bắc vẫn ảnh hưởng tập quán “trồng thả” nên năng suất thấp.
Anh Trịnh Minh Châu, hộ trồng 10 ha mía ở xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), nhìn nhận: Nghề trồng mía của bà con địa phương có từ lâu đời, nhưng chậm đổi mới áp dụng cơ giới. Trước đây, từ Chương trình Khuyến nông quốc gia, một số hộ đã được hỗ trợ máy làm đất, nhưng thiết bị này đến nay đã lạc hậu, không sử dụng được. Đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất mía là cần thiết trong bối cảnh sản phẩm mía đường đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Tuy nhiên, để hình thành được vùng sản xuất mía ứng dụng công nghệ cao phải có tiềm lực tài chính, điều này nằm ngoài khả năng của các hộ. Đề cập đến vấn đề này, ông Vũ Thành Châu cho hay: Đồng hành cùng nông dân trồng mía theo hướng ứng dụng công nghệ cao, Công ty đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, trong đó chú trọng hình thành cánh đồng lớn để tạo thuận lợi cho áp dụng khoa học công nghệ. Trước mắt, trong niên vụ 2015 – 2016, Công ty tiếp tục hỗ trợ các hộ lắp đặt hệ thống tưới béc, tưới nhỏ giọt, tưới bằng năng lượng mặt trời; đồng thời, đầu tư mua sắm máy móc và thiết bị nông nghiệp, như: máy kéo, máy trồng mía, máy cày sâu bón phân, máy băm lá mía…
Anh Tùng