Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu

(NTO) Trong giai đoạn 2011-2015, sản xuất nông-lâm-thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển khá toàn diện, tăng cả về quy mô, năng suất, sản lượng; cơ cấu ngành đã có sự chuyển dịch tích cực, phát triển, phát huy lợi thế sản xuất giống và đạt tốc độ phát triển cao. Đã hình thành một số vùng chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến; một số sản phẩm đặc thù vùng khô hạn như táo, nho, dê, cừu, tôm giống, tôm thương phẩm… đã bước đầu khẳng định được lợi thế cạnh tranh, một số sản phẩm đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý. Trình độ nhận thức, năng lực sản xuất của các hộ nông dân, ngư dân được nâng cao; các hình thức hợp tác mới trong nông thôn bước đầu hình thành và hoạt động. Về đời sống vật chất của nông dân tiếp tục cải thiện, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đời sống văn hóa, tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng phát triển, thu hẹp khoảng cách với đô thị, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 20%.

 
Nông dân xã Phước Thái (Ninh Phước) áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bước sang giai đoạn 2016-2020, nông nghiệp tỉnh nhà đang đứng trước những cơ hội và những thách thức trong phát triển. Điều kiện khí hậu khô hạn, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét với tình trạng hạn hán, lũ lụt xảy ra nhiều hơn, tác động trên diện rộng và khốc liệt hơn. Nhưng Ninh Thuận có lợi thế về các sản phẩm đặc thù của vùng khô hạn mà nhiều nơi trong nước không có được, hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng hoàn thiện. Do vậy, nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp tỉnh trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ là xây dựng một nền nông nghiệp hướng đến công nghệ cao, thực hiện tái cơ cấu ngành để phát huy, phát triển được các lợi thế của nông nghiệp vùng khô hạn, biến những khó khăn, thách thức thành lợi thế để phát triển. Để thực hiện các mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013, ngành NN&PTNN tỉnh đã triển khai xây dựng “Kế hoạch hành động” thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Các nhiệm vụ chính trong Kế hoạch hành động đó là: Rà soát, nghiên cứu kỹ, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi lợi thế của địa phương trong bối cảnh có tác động của biến đổi thị trường, biến đổi khí hậu đến ngành Nông nghiệp trong tỉnh; tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; triển khai quy hoạch chi tiết bố trí sản xuất các xã thuộc chương trình nông thôn mới, tùy theo điều kiện cụ thể, mỗi huyện lựa chọn 2-4 cây, con chủ lực, mỗi xã 2-3 cây, con chủ lực để ưu tiên phát triển; trên cơ sở lựa chọn sản phẩm chủ lực, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, hướng tới ưu tiên hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực, áp dụng và nhân rộng các mô hình, công nghệ mới có hiệu quả; chú trọng phát triển chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hướng tới mục tiêu chính là nâng cao thu nhập của nông dân, xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững, không chạy theo thành tích số lượng mà chú trọng hiệu quả kinh tế, thu nhập của người dân, doanh nghiệp.

Để thực hiện “Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu”, trong nhiệm kỳ 2015-2020, ngành tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ chủ yếu sau:

Sản xuất nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, nhất là các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế đặc thù của địa phương, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng chăn nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao, tăng tỷ trọng giá trị nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ nông nghiệp; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh, chuyên nuôi tập trung có quy mô lớn, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích sản xuất.

 
Nông dân thôn Tầm Ngân 1 (Lâm Sơn, Ninh Sơn) trồng giống ớt Hàn Quốc cho hiệu quả kinh tế cao.

Ngành trồng trọt: Tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi đặc thù vùng khô hạn, có lợi thế cạnh tranh; nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, gắn kết với tiêu thụ và từng bước mở rộng thị trường cho xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Phát triển diện tích nho, táo đạt quy mô 3.200ha, sản lượng khoảng 47 ngàn tấn nho, 55 ngàn tấn táo. Mở rộng diện tích trồng mía đạt quy mô 5.000ha, sản lượng 262 ngàn tấn; ổn định diện tích cây mỳ 2.000-2.500ha, sản lượng 60 ngàn tấn. Đầu tư phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm như các vùng rau, quả, các vùng nho, táo ứng dụng công nghệ cao gắn với “Quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1319/QĐ-UBND ngày 26-6-2014.

Ngành chăn nuôi: Ưu tiên phát triển các vật nuôi có lợi thế là dê, cừu đạt quy mô tổng đàn 255 ngàn con vào năm 2020, phát triển đàn heo theo hướng các trang trại công nghiệp đạt quy mô tổng đàn 110 ngàn con. Phát triển tổng đàn gia cầm theo hướng chăn nuôi công nghiệp đạt quy mô 2 triệu con/năm, phát triển đàn bò khoảng 140 ngàn con, trọng tâm là bò thịt chất lượng cao, bò sữa tùy theo quy mô điều kiện từng vùng. Nâng cao chất lượng đàn gia súc thông qua việc cải tạo giống, áp dụng các quy trình chăn nuôi công nghiệp tiên tiến, phấn đấu đạt tỷ lệ bò lai là 50% và tỷ lệ đàn dê, cừu được cải tạo giống mới là 90% vào năm 2020. Phát triển một số vùng chăn nuôi dê, cừu, heo ứng dụng các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, gắn kết với chuỗi tiêu thụ sản phẩm theo quy hoạch vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Sản xuất thủy sản: Tập trung huy động tốt nhất mọi nguồn lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, trong đó phát triển thủy sản theo hướng phát triển bền vững, phát huy lợi thế về sản xuất giống thủy sản, tổ chức lại nghề khai thác để thúc đẩy tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản theo hướng nâng cao hiệu quả và bền vững, gắn với bảo vệ quốc phòng-an ninh trên biển; phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến. Quy hoạch lại và đầu tư kết cấu hạ tầng vùng sản xuất giống; khuyến khích các cơ sở sản xuất nhỏ liên kết hình thành các tập đoàn đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất bền vững. Đẩy mạnh khai thác xa bờ, chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng khai thác các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Cụ thể:

Đối với ngành khai thác thủy sản: Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Tổ chức lại nghề khai thác hải sản gắn với việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về các chính sách khuyến khích phát triển thủy sản. Hỗ trợ đầu tư tàu thuyền công suất lớn, tàu vỏ sắt khai thác xa bờ; giảm tàu thuyền công suất nhỏ khai thác gần bờ; khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Đến năm 2020, tổng số tàu thuyền khoảng 2.900 chiếc, có tổng công suất 380 ngàn CV, khai thác đạt 77-78 ngàn tấn hải sản vào năm 2020.

 
Thu hoạch tôm ở thôn Sơn Hải (Phước Dinh, Thuận Nam).

Đối với ngành nuôi trồng thủy sản: Từng bước tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao trình độ công nghệ nuôi, cấu trúc lại hệ thống ao đìa thành các khu vực chuyên ứng dụng công nghệ cao và các khu vực nuôi sinh thái bền vững. Mở rộng diện tích nuôi trên biển và nuôi nước ngọt. Diện tích nuôi đạt 2.350ha, sản lượng nuôi 18.600 tấn vào năm 2020; trong đó, sản lượng tôm nuôi là 9.900 tấn và sản lượng rong sụn là 8.500 tấn. Tiếp tục phát huy lợi thế sản xuất giống, giữ vững vị thế là trung tâm giống chất lượng cao của cả nước, sản lượng đạt 36 tỷ con vào năm 2020.

Sản xuất lâm nghiệp: Quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng. Quản lý, sử dụng có hiệu quả diện tích rừng sản xuất hiện có, thay thế các diện tích kém hiệu quả bằng rừng trồng có năng suất cao, tạo vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh có quy mô vừa và nhỏ. Đầu tư, phát triển rừng đặc dụng tại hai vườn quốc gia gắn với phát triển du lịch, bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử. Phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng từ nguồn vốn Chương trình bảo vệ và phát triển rừng và các dự án ODA khác, phấn đấu mỗi năm trồng 500ha rừng phòng hộ, đặc dụng tại các khu vực xung yếu ven biển, các khu rừng đầu nguồn các hồ, đập thủy lợi. Khuyến khích đầu tư phát triển rừng sản xuất theo hình thức Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, với các đối tượng cây trồng mới cho năng suất cao (keo lai, keo chịu hạn và các loài cây khác); mỗi năm trồng mới 1.000ha rừng sản xuất gắn với phát triển công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng; phấn đấu đạt độ che phủ 50% vào năm 2020.

Sản xuất và chế biến muối: Phát triển ngành công nghiệp sản xuất, chế biến muối và sản xuất các sản phẩm sau muối, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, sản xuất muối tinh và hóa chất sau muối. Phấn đấu đến năm 2020 đạt diện tích 3.900ha, sản lượng đạt 550 ngàn tấn, trong đó muối công nghiệp là 450 ngàn tấn. Đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến muối và các sản phẩm sau muối với trang thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại, trở thành trung tâm sản xuất, chế biến muối và hóa chất từ muối lớn và hiện đại nhất toàn quốc; tiếp tục duy trì các cơ sở chế biến muối hiện có trên cơ sở đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm.

 
Nông dân xã Tri Hải (Ninh Hải) thu hoạch muối.  Ảnh: Văn Miên

Để thực hiện có hiệu quả bốn nhiệm vụ phát triển nêu trên, ngành tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính, cụ thể như sau:

Một là, đẩy mạnh chuyển giao khoa học-kỹ thuật, gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đối với sản xuất nông nghiệp, xác định nhiệm vụ trọng tâm là chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng đối với cây nho, táo tiếp tục phát triển theo hướng VietGAP và có hệ thống xác nhận về an toàn thực phẩm. Đối với cây trồng khác như mía, sắn… nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao năng suất thông qua ứng dụng giống mới, cải tiến kỹ thuật canh tác, áp dụng trồng có tưới tại khu vực có điều kiện, cơ giới hóa… nhằm bảo đảm tính cạnh tranh của sản phẩm mía đường.

Đối với chăn nuôi dê, cừu, bò và gia cầm, nhiệm vụ trọng tâm là cải tạo giống bằng các giống có năng suất thịt cao, chống chịu bệnh, tỷ lệ sinh sản cao… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thịt, bảo đảm hiệu quả sản xuất; áp dụng các quy trình chăn nuôi tiên tiến để giảm giá thành, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Đối với sản xuất thủy sản, nhiệm vụ trọng tâm là chuyển giao các kỹ thuật sản xuất an toàn sinh học, phòng tránh dịch bệnh, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm và các đối tượng nuôi trên biển, nuôi nước ngọt. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, đặc biệt là tôm giống bố mẹ để phục vụ sản xuất tôm giống cung cấp trong tỉnh và các tỉnh khác.

Quy hoạch và thu hút, khuyến khích đầu tư các vùng sản xuât nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao các sản phẩm chính của tỉnh; kêu gọi, thu hút đầu tư vào các điểm sản xuất rau an toàn, sản xuất cây ăn quả, chăn nuôi gia súc có sừng, nuôi thủy sản thương phẩm trên cát.

Hai là, tổ chức lại sản xuất. Tổ chức lại nghề khai thác hải sản theo Đề án đã được phê duyệt, trọng tâm là khuyến khích đầu tư tàu thuyền công suất lớn, chuyển đổi nghề, đào tạo lại nghề cho lao động ngành thủy sản. Tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa, gia trại, trang trại, doanh nghiệp tư nhân. Tiếp tục hướng dẫn, vận động để thành lập các tổ chức của nông dân, ngư dân như tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ đoàn kết trên biển, tổ hợp tác chuyên ngành phù hợp với cây, con, ngành nghề… liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng các mô hình liên kết, quy mô lớn theo chuỗi giá trị giữa nông dân, doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác. Tập trung triển khai có hiệu quả liên kết xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định 62/1013/QĐ-TTg ngày 21-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho cư dân nông thôn gắn với phát triển làng nghề, phát triển công nghiệp-dịch vụ nông thôn. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có 24 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới vào năm 2020. Chú trọng đào tạo theo các đề án, dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn và thông qua các doanh nghiệp có hợp đồng liên kết với nông dân. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nghề gắn với sử dụng lao động tại doanh nghiệp ở địa bàn nông thôn. Phát triển nhanh nguồn nhân lực qua đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao và đào tạo lao động nông thôn.

Bốn là, triển khai có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tập trung thực hiện các giải pháp để phòng chống hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung các nhóm, giải pháp chính là:

Đầu tư phát triển thủy lợi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn; liên thông các hồ chứa để giải quyết tình trạng thiếu nước giữa các lưu vực, trọng tâm ưu tiên trong giai đoạn này là xây dựng đường ống kết nối liên thông các hồ chứa và hệ thống kênh mương của hồ Sông Cái-đập Tân Mỹ với kênh mương các hồ Cho Mo, Thành Sơn, Sông Trâu, Bà Râu, Ông Kinh giải quyết tưới chủ động cho diện tích 6.800ha đang bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán; tiếp tục nghiên cứu đầu tư liên thông lưu vực hồ Tân Giang-lưu vực hồ Sông Biêu-lưu vực hồ Suối Lớn và các hệ thống liên thông khác để giải quyết một cách toàn diện tình trạng hạn hán trong tỉnh.

Ưu tiên nhân rộng công nghệ tưới tiết kiệm nước gắn với đổi mới kỹ thuật canh tác; quy hoạch và chuyển một số khu vực ưu tiên phát triển trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, ưu tiên cho các doanh nghiệp liên kết với nông dân để phát triển chăn nuôi gia súc; tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi sang các cây trồng cạn có hiệu quả gắn với việc đầu tư các hệ thống tưới tiết kiệm nước.

Năm là, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản và sản xuất muối theo chiều sâu gắn với vùng nguyên liệu; tiếp tục nâng cấp các nhà máy đã đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến mới theo nguồn nguyên liệu của tỉnh theo hướng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Trước mắt tập trung kêu gọi các nhà đầu tư các dự án chế biến tôm xuất khẩu, chế biến tinh bột sắn, chế biến đường; xây dựng các cơ sở chế biến mới về rượu vang, nhân điều, chế biến và đóng hộp thịt gia súc, gia cầm; chế biến thức ăn gia súc; xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Sáu là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo thuận lợi cho xuất khẩu và tiêu thụ hàng nông sản; giải quyết tốt hơn những bức xúc của xã hội về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai. Có các giải pháp để quản lý bảo vệ môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống thủy sản, bảo vệ môi trường tại các vùng sản xuất nông nghiệp ngăn ngừa việc sử dụng hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường; nâng cao ý thức người sản xuất trong việc sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu… để bảo vệ môi trường.