Thúc đẩy phối hợp quản trị các biển khu vực Đông Á

Trước sự suy thoái về môi trường và các nguồn tài nguyên của đại dương thế giới cũng như các biển Đông Á, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng cần thúc đẩy một cơ chế phối hợp quản trị hiệu quả các biển ở khu vực Đông Á.

Tại Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 tổ chức ngày 18/11 ở Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết các biển Đông Á là khu vực biển rất giàu tài nguyên, có tính đa dạng sinh học cao và nhiều hệ sinh thái biển rất quan trọng. Với nguồn lợi thủy sản phong phú, khu vực biển này đã cung cấp sản vật và các lợi ích để phát triển kinh tế- xã hội cho các quốc gia Đông Á với hơn 2,1 tỉ người sinh sống.

'

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển. Ảnh: VGP/Thế Phong

Thực hiện những công ước quốc tế về quản trị đại dương, đặc biệt là quản lý tài nguyên, môi trường trong các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia cũng như Chương trình nghị sự 21 và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, các quốc gia Đông Á đã nỗ lực nghiên cứu, áp dụng các phương thức quản lý mới về biển, vùng bờ biển và hải đảo. Nỗ lực của các quốc gia đã mang lại những thành quả quan trọng.

Tuy nhiên, hiện tại cũng như các khu vực khác của đại dương thế giới, tài nguyên, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản tại các biển Đông Á ngày càng cạn kiệt, ô nghiễm môi trường ngày càng gia tăng. Biển Đông Á cũng là khu vực chịu nhiều thiên tai, tình hình thậm chí còn xấu đi do tác động ngày càng hiện hữu của biến đổi khí hậu.

Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên của đại dương là do phương thức quản lý. Cách quản lý truyền thống theo ngành và lãnh thổ đã tạo nên những xung đột về quyền lợi, dẫn tới buông lỏng quản lý và là nguyên nhân suy thoái tài nguyên và môi trường. Để giải quyết các vấn đề trên đòi hỏi phải áp dụng một cơ chế quản trị đại dương hiệu quả ở đây.

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng do tính chất liên thông của đại dương nên cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải xây dựng các chính sách khung về quản trị đại dương và quản lý tổng hợp đại dương ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Đối với quy mô toàn cầu, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ là cơ quan thực hiện quản trị đại dương. Cơ quan này xem xét các báo cáo mà Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đệ trình trên cơ sở các khuyến nghị từ các quá trình tham vấn các vấn đề của đại dương và luật biển.

Ở quy mô khu vực, quản trị đại dương cần được thực hiện bởi những cơ chế có vai trò điều phối, phối hợp hoạt động của các quốc gia thông qua việc triển khai thực hiện các thoả thuận, cam kết khu vực.

“Để bảo tồn các hệ sinh thái và bảo vệ môi trường đại dương, cần các nỗ lực điều phối, phối hợp trên cả khu vực để đảm bảo các nỗ lực quản lý không bị tách rời, chia nhỏ. Để làm được điều này cần có cơ chế thích hợp để gắn kết trách nhiệm của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác”, ông Hiển đề xuất.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế bày tỏ đồng tình với quan điểm của đại diện phía Việt Nam, đồng thời tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy liên kết trong khu vực thông qua Chiến lược phát triển bền vững và chương trình hành động trong khu vực. Các nội dung về chính sách và khung chính sách, tổ chức thể chế, các sáng kiến để thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa các quốc gia.

Nguồn www.chinhphu.vn