Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về sự chấp nhận của công chúng đối với công nghệ hạt nhân

(NTO) Trong khuôn khổ Đề án thông tin, truyền thông và phát triển Điện hạt nhân (ĐHN) ở Việt Nam đến năm 2020, ngày 13-11, tại tỉnh ta, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) và Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VAEA) tiếp tục tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Sự chấp nhận của công chúng đối với công nghệ hạt nhân: Chia sẻ kinh nghiệm của các nước Châu Á”. Hội thảo đã thu hút trên 200 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức và báo chí trong nước tham dự.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng VAEA, nhấn mạnh sự cần thiết việc có được sự đồng thuận của công chúng trong phát triển ngành ĐHN còn nhiều mới mẻ tại Việt Nam.

Người dân địa phương tham gian gian trưng bày phát triển ĐHN
của Nga và Nhật Bản tại hội thảo.

Đề cao tầm quan trọng của chủ đề hội thảo lần này, ông Egor Simonov, Tổng Giám đốc ROSATOM tại khu vực Đông Nam Á, cho biết: Hiện nay, Việt Nam đang được đánh giá là một hình mẫu tiêu biểu cho các quốc gia Đông Nam Á về sự thành công trong phát triển các chương trình năng lượng hạt nhân quốc gia. Và, việc tổ chức hội thảo tại Ninh Thuận – nơi sẽ xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên của khu vực ASEAN, sẽ giúp nhiều nước trong khu vực học hỏi thêm được kinh nghiệm trong triển khai chiến dịch truyền thông hiệu quả hơn.

Các chuyên gia trong nước trao đổi với người dân địa phương.

Tại hội thảo lần này, ngoài các chuyên gia trong nước, còn có sự tham gia khá đông của các chuyên gia đến từ các nước: Ấn Độ, Malaysia, Bangladesh và Indonesia. Chia sẻ kinh nghiệm về sự chấp thuận của công chúng đối với ĐHN tại Ấn Độ, ông Srisht Pall Singh, chuyên gia hạt nhân hàng đầu đến từ Hiệp hội hạt nhân Ấn Độ, Cựu Vụ trưởng Vụ An toàn hạt nhân, Cơ quan pháp quy Năng lượng hạt nhân Ấn Độ (EARB), cho rằng: Ấn Độ có thể là một ví dụ tốt cho Việt Nam. Đến thời điểm này, Ấn Độ đã vận hành thành công 21 lò phản ứng, 6 tổ máy đang được xây dựng và ít nhất 12 tổ máy đã được lên kế hoạch xây dựng và vận hành trong 20 năm tới. Cũng theo ông Srisht, dù kế hoạch là vậy, nhưng tất cả sẽ không thể thực hiện được, nếu không có tiến trình chinh phục sự đồng thuận của công chúng.