Ninh Phước hướng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(NTO) Giai đoạn 2011-2015, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững của tỉnh, huyện Ninh Phước đã đẩy mạnh triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân.

Với quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, huyện Ninh Phước tập trung chỉ đạo nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, kết hợp chuyển giao tiến bộ khoa học vào trồng trọt và chăn nuôi, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh những loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh cao như nho, táo với tổng quy mô diện tích trên 1.000ha. Các mô hình sản xuất thí điểm được nhân rộng, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa dồi dào, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chỉ tính riêng vụ đông-xuân và vụ hè-thu năm 2015, diện tích canh tác lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm” đạt hơn 3.500ha; mô hình sản xuất rau an toàn ở xã An Hải và Phước Hải đạt 248 ha/vụ; mô hình sản xuất nho, táo theo tiêu chuẩn VietGAP cũng không ngừng được mở rộng.

 
Nông dân xã Phước Hậu ứng dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa đạt năng suất, chất lượng cao.

Ở lĩnh vực chăn nuôi gia súc, phát triển theo hướng coi trọng chất lượng sản phẩm thông qua việc thực hiện có hiệu quả mô hình lai tạo giống, xuất hiện ngày càng nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, bán thâm canh và vỗ béo đạt hiệu quả kinh tế cao. Hàng loạt mô hình chăn nuôi linh hoạt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực như nuôi heo thịt quy mô từ 600-2.000 con, nuôi gà đẻ trứng năng suất 100.000 trứng/ngày tại xã Phước Vinh; mô hình trồng cỏ làm thức ăn gia súc ở các xã, thị trấn đang được nhân rộng, mở ra triển vọng mới cho nông dân vươn lên làm giàu.

Nét chuyển biến tích cực gần đây là huyện đã mời gọi được một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài nông dân xã Phước Sơn, Phước Vinh, Phước Hậu liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha hố sản xuất hàng trăm ha lúa giống, bắp giống, thì mới đây nông dân xã Phước Hữu cũng đã liên kết với Công ty TNHH Jimmy Hung Anh Food sản xuất gạo sạch, nâng cao giá trị hạt gạo lên 20% so với sản xuất truyền thống. Bên cạnh tăng cường mở rộng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm chủ lực, Ninh Phước còn tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, nổi lên là thương hiệu nho Ba Mọi đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Kết quả đạt được trong việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã nâng cao sức cạnh tranh cho mặt hàng nông sản, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, quy mô yêu cầu phát triển mang tính bền vững so với mục tiêu đề ra chưa được như mong đợi. Ngoài mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa được đông đảo nông dân tiếp nhận sản xuất trên quy mô lớn, nhiều mô hình thí điểm khác chưa được nhân rộng, đầu ra sản phẩm thiếu ổn định. Hạn chế này có một phần do nông dân ít quan tâm đến liên kết sản xuất tạo ra chuỗi giá trị gia tăng từ khâu canh tác, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ. Mặc dù huyện đã rất nỗ lực tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hợp tác với nhà nông làm ăn, nhưng mối liên kết này còn lỏng lẻo. Trước đây, doanh nghiệp đã đến địa phương tìm hiểu đầu tư nuôi dê sữa, dê thịt theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nhưng không tìm được tiếng nói chung với nông dân trong việc quy hoạch vùng sản xuất nên đến nay, dự án vẫn chưa triển khai được.

Để nâng cao thu nhập cho nông dân, xây dựng Ninh Phước trở thành vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2015-2020 huyện chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung có ứng dụng công nghệ cao. Giải pháp để thực hiện Chương trình là củng cố, thành lập các hợp tác xã kiểu mẫu làm vai trò trung gian tập hợp nông dân dồn điền sản xuất trên quy mô lớn. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực có lợi thế của huyện như: Nuôi bò, dê thịt, dê sữa, sản xuất và chế biến các sản phẩm nho, táo để đảm bảo đầu ra ổn định. Chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất ở vùng rau an toàn tại xã An Hải, Phước Hải; vùng hồ Bàu Zôn, Tân Giang (Phước Hữu), Tà Ranh (Phước Thái) phục vụ chuyển đổi cây trồng cạn ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.