Đáng nói là từ tháng 11-2014 đến đầu tháng 5-2015 hầu như trên địa bàn huyện không có mưa, một số vùng như Phước Trung, Phước Thành mùa mưa đến muộn và không có mưa tiểu mãn đã làm cho mực nước tại các hồ và sông suối giảm thấp; tình hình hạn hán diễn ra khốc liệt trong vòng 10 năm trở lại đây và khốc liệt hơn chu kỳ 10 năm trước vào năm 2004-2005.
Nông dân xã Phước Tiến chăm sóc lúa vụ mùa.Ảnh: Nguyễn Sơn
Theo thống kê cho thấy, nắng hạn đã ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, gây thiếu nước sinh hoạt, đình trệ sản xuất; nhiều vùng hầu như ngừng sản xuất liên tiếp cả 3 vụ nên phải nhờ sự cứu trợ từ Chính phủ và của tỉnh. Chỉ tính riêng vụ đông-xuân 2014-2015 đã làm thiệt hại 528 ha, trong đó mất trắng 246 ha, làm giảm năng suất 282 ha. Hạn hán còn tác động lớn đến chăn nuôi, làm thiếu nước, thức ăn… dẫn đến giảm sút về thể trạng, một số gia súc suy kiệt, đến nay toàn huyện đã có trên 505 gia súc (199 con trâu, bò; 306 con dê, cừu) bị chết. Ngoài ra, trong năm 2014 và 9 tháng năm 2015 đã xảy ra 4 đợt mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm thiệt hại 102 căn nhà, trong đó làm tốc mái 52 căn nhà, nứt tường 12 căn nhà, sập hoàn toàn 7 căn... Mặt khác, thiệt hại do sét đánh đã làm chết 3 con bò, bị thương 1 em nhỏ tại xã Phước Thắng và 1 người chết tại xã Phước Trung.
Để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai của huyện khẩn trương, trực tiếp xuống địa bàn các xã chỉ đạo khắc phục hậu quả, cứu trợ kịp thời và động viên Nhân dân an tâm, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. Đặc biệt về công tác chống hạn, lãnh đạo UBND huyện đã kịp thời trực tiếp xuống các điểm có thiệt hại để động viên người dân, kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ gạo cứu đói cho bà con, giống cây trồng để khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra... Chỉ tính từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã cấp kinh phí hỗ trợ thiệt hại về trồng trọt 503,97ha và 152 gia súc bị chết (67 con trâu, bò và 85 con dê, cừu). Hỗ trợ thức ăn cho 35.487 lượt gia súc với trên 1.723,69 tấn thức ăn, tổng kinh phí trên 12.tỷ đồng đồng cho các xã trên địa bàn huyện. Hỗ trợ, cấp phát 24,14 tấn giống bắp lai; 35,6 tấn lúa giống; 229 tấn cỏ giống để phục vụ tái sản xuất sau hạn hán và phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng năm 2015 cho các xã. Kịp thời hỗ trợ cấp phát gạo cứu đói 4 đợt cho 8.332lượt hộ/683.790 kg. Đáng nói là huyện đã chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai huyện và các ban ngành, đoàn thể, các thành viên được phân công theo dõi tại các xã trực tiếp bám sát địa bàn và UBND các xã vận động bà con khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại theo khả năng sẵn có của địa phương đối với các khu vực bị thiệt hại nhẹ, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Đơn cử như về sản xuất, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến thời tiết và lượng nước tại các sông suối, các hồ trên địa bàn huyện, điều tiết nước hợp lý, ưu tiên nguồn nước cho nhân dân sinh hoạt, nước uống cho chăn nuôi và phục vụ sản xuất tại các khu vực chủ động nước. Chọn điểm đào ao tại các lòng suối trên địa bàn các xã Phước Trung, Phước Thành, nạo vét ao hồ tại các xã để tận dụng mạch nước ngầm phục vụ nước sinh hoạt cho người dân và nước uống cho chăn nuôi. Xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm phòng gia súc, gia cầm năm 2015. Đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong tình hình hạn hán gay gắt, thiếu thức ăn xanh, thiếu nước uống. Vận động bà con di chuyển gia súc từ rẫy núi về gần nhà, gần khu vực hưởng lợi của các công trình thủy lợi hoặc khu vực lòng hồ đảm bảo cung cấp nước uống cho gia súc; một số trang trại chăn nuôi gia súc có sừng di chuyển ra khỏi địa bàn huyện nhằm đảm bảo công tác chống hạn… Nhờ các giải pháp quyết liệt như đã nêu trên đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh và Trung ương, đó là đảm bảo không để dân đói, khát do thiếu nước. Không để học sinh bỏ học do ảnh hưởng của hạn hán. Không để gia súc thiếu thức ăn và nước uống. Không để dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm phát sinh. Không để xảy ra cháy rừng; đảm bảo giữ vững an ninh nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai chưa thật cao, nhất là trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân; trong chỉ huy, điều hành, triển khai còn thiếu tính đồng bộ; một số thành viên ban chỉ đạo và lãnh đạo một số ngành, địa phương trách nhiệm chưa cao, chưa chủ động bám sát ngành, địa phương phụ trách; công tác thống kê, đánh giá thiệt hại chậm, thiếu thống nhất về số liệu thiệt hại. Trong chỉ đạo sản xuất gắn với công tác chống hạn, mặc dù ngay từ đầu vụ sản xuất, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể cho từng xã, tập trung sản xuất tại những vùng chủ động nước và chỉ đạo ngưng sản xuất vụ hè- thu 2015 nhưng người dân vẫn tự phát gieo trồng ngoài kế hoạch hơn 3.000 ha (chủ yếu là lúa nước, bắp, mỳ) dẫn đến thiệt hại không đáng có...
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, nửa cuối năm 2015 và đầu năm 2016 thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có khả năng xảy ra lũ quét trên địa bàn huyện. Mùa khô có thể kết thúc vào tháng 12-2015. Ngoài ra, do lượng nước tại hồ chứa Sông Sắt hiện nay vẫn đang ở mức thấp sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống Nhân dân. Để chủ động ứng phó với thiên tai, mục tiêu của huyện là huy động toàn bộ lực lượng, phát huy tốt nhất phương châm 4 tại chỗ trong phòng, chống thiên tai bằng phương án cụ thể, chi tiết đã được xác định. Tin rằng, với kinh nghiệm thiết thực trong những năm qua, huyện Bác Ái sẽ tiếp tục ứng phó thiên tai với kết quả cao nhất, giảm nhẹ thiệt hại cả về sản xuất và đời sống Nhân dân.
Mai Dũng