Năm 2013, Hội Nông dân huyện triển khai mô hình “Nuôi bò vỗ béo” cho 18 hộ dân ở Công Hải. Theo đó, mỗi hộ được vay 25 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, với tổng giá trị 450 triệu đồng và các hộ tham gia góp vốn đối ứng 215 triệu đồng để mua bò, xây dựng chuồng trại, trồng cỏ…; được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc bò vỗ béo, trồng cỏ, cách phòng trị một số bệnh trên đàn bò… Sau 24 tháng sẽ thu hồi lại vốn của Quỹ để tiếp tục chuyển sang hộ khác hưởng lợi.
Nông dân xã Công Hải (Thuận Bắc) đầu từ chăn “nuôi bò vỗ béo” mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trung bình mỗi cặp bò mua ban đầu có giá trị khoảng 27 triệu đồng, sau thời gian vỗ béo có thể bán với giá từ 45-50 triệu đồng/cặp, lợi nhuận thu về được các hộ quay vòng tiếp tục mở rộng quy mô. Anh Nguyễn Thanh Phùng, hộ tham gia mô hình ở thôn Hiệp Kiết, phấn khởi nói: Lúc trước, gia đình chỉ chăn thả tự nhiên, không nuôi nhốt nên trọng lượng bò đạt thấp. Từ khi tham gia mô hình “Nuôi bò vỗ béo”, được tập huấn kỹ thuật, đã biết tận dụng các nguồn thức ăn từ rơm, lá mía, thân cây bắp… nên bò phát triển tốt. Bán 1 cặp bò được hơn 50 triệu đồng, thu lãi 20 triệu đồng. Hiện gia đình cũng đã tái đàn được 2 lần và phát triển được 3 con bò.
Qua tìm hiểu thực tế tại địa phương, so với nuôi chăn thả tự nhiên, bò nuôi theo mô hình có trọng lượng tăng khoảng 15%. Nhờ đó, các hộ tham gia không chỉ hoàn trả lại vốn vay cho chương trình, nhiều hộ còn gầy đàn được từ 2-3 con, đặc biệt như hộ bà Vũ Thị Thoa, thôn Giác Lan, đã phát triển đàn bò được gần 10 con.
Từ hiệu quả của mô hình, trong năm 2015, Hội Nông dân huyện Thuận Bắc đã triển khai thêm 2 dự án “Nuôi bò vỗ béo” cho 25 hộ nuôi trên địa bàn xã Công Hải, với tổng kinh phí đầu tư 600 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho nông dân mở rộng quy mô sản xuất, Hội Nông dân xã còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội để nông dân vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng trang trại.
Đồng chí Nguyễn Ký Phục, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: Trong điều kiện khu vực chăn thả ngày càng thu hẹp, việc thực hiện mô hình “Nuôi bò vỗ béo” là hướng đi phù hợp trong chăn nuôi ở địa phương. Hiện nay, địa phương đang tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi hình thức chăn nuôi theo hướng thâm canh nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tiến Mạnh