Đáng nói là bằng sự “thuần phát” hoang sơ của nhiều cảnh quan đã tạo nên dấu ấn trong lòng nhiều du khách. Đơn cử như, mới đây Trung tâm Xúc tiến du lịch đã cùng với một số doanh nghiệp du lịch TP. Hồ Chí Minh khảo sát các điểm du lịch mới trên cung đường ven biển của tỉnh. Nhiều đại biểu cho rằng cung đường này rất đẹp, việc kết nối sản phẩm du lịch mới của Khu Du lịch Thể thao Mạo hiểm Tanyoli, điểm du lịch Hang Rái, bãi San hô cổ tại Vườn quốc gia Núi Chúa trên tuyến đường ven biển của tỉnh đưa vào khai thác sẽ tạo cho du khách có thêm trải nghiệm thú vị trong hành trình khám phá vùng đất nắng, đồng thời cũng sẽ mở ra bước đột phá mới cho du lịch tỉnh nhà.
Du khách đến khám phá các vườn nho và thưởng thức hương vị nho Ninh Thuận. Ảnh: Sơn Ngọc
Ngoài du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch thể thao mạo hiểm, Ninh Thuận còn có rất nhiều các sản phẩm mang tính đặc thù của tỉnh như: tỏi, nho, táo, dê, cừu…Chính những nét đặc sắc, riêng có này đã tạo “hấp lực” để du khách không chỉ quay lại nhiều lần, mà còn trở thành những “tuyên truyền viên” tích cực cho bạn bè, người thân đến với các điểm du lịch của tỉnh... Con số phấn đấu từ đạt trên 1,3 triệu lượt du khách năm 2014, tăng lên 1,5 triệu lượt du khách đến tỉnh ta trong năm nay đã phần nào chứng minh sự phát triển đó.
Tuy nhiên, mặc dù lợi thế và tiềm năng đã được “bày” sẵn, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thì cách làm du lịch của tỉnh vẫn thiếu tính chuyên nghiệp. Thực tế là, cho dù hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư ngày càng nhiều, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng hoàn thiện… cũng không đồng nghĩa với việc ngành Du lịch đã thật sự chuyên nghiệp. Hơn thế nữa, tỉnh ta đã và đang làm du lịch “chay” mà thiếu đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên vốn được coi là “linh hồn” của du lịch. Du khách có ấn tượng về vùng đất này hay không, đều phụ thuộc rất nhiều thông qua sự giới thiệu, thuyết trình của lực lượng này. Nhà vệ sinh phục vụ du khách là một trong những hạng mục hạ tầng không thể thiếu trong các điểm du lịch. “Chuyện nhỏ nhưng không nhỏ” này lại là khía cạnh ít được chú ý nhất tại các điểm du lịch, làm cho không ít du khách phàn nàn. Một số hạn chế khác như kết cấu hạ tầng của các điểm du lịch chưa hoàn thiện, đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực; chất lượng dịch vụ; dịch vụ vui chơi giải trí; xúc tiến quảng bá... Đây là những nguyên nhân để dẫn đến tình trạng du khách ra về không hẹn ngày tái ngộ!.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã xác định rõ: Phát triển có trọng điểm các dự án du lịch đẳng cấp cao và tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tạo ra đặc sắc riêng của Ninh Thuận. Như vậy, tỉnh ta cần có tư duy mới trong cách làm du lịch, nhận rõ những mặt còn hạn chế để có giải pháp khắc phục đạt kết quả cao nhất, đặc biệt cần tăng cường quảng bá các sản phẩm du lịch đặc thù để tạo sự khác biệt của du lịch Ninh Thuận. Các chuyên gia du lịch cũng cho rằng tỉnh ta cần thường xuyên tổ chức các sự kiện để thu hút du khách.
Suy cho cùng, cộng đồng dân cư là đối tượng hưởng lợi lớn từ du lịch cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhờ du lịch, hầu hết mọi người dân đều có thể tham gia lao động gián tiếp phục vụ cho hoạt động này. Cũng con cá, mớ rau, chiếc khăn, tấm áo… sản xuất hằng ngày nhưng giá trị sẽ tăng lên cùng với sự phát triển của du lịch. Bên cạnh lợi ích vật chất, người dân còn được hưởng lợi bởi đời sống văn hóa, tinh thần phong phú hơn nhờ các sự kiện văn hóa- du lịch… được tỉnh, ngành tổ chức.
H.H