Cơ hội dịch chuyển nghề nghiệp
Tám MRAs (trong lĩnh vực du lịch là thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch MRA-TP) mà các nước ASEAN đã ký kết từ năm 2009 sẽ tạo điều kiện cho lao động lành nghề di chuyển trong khu vực, vì thỏa thuận này cho phép chứng chỉ của lao động lành nghề được cơ quan chức năng tại một quốc gia cấp sẽ được các nước thành viên trong khu vực thừa nhận.
Hướng dẫn viên du lịch đang trở thành một nghề hấp dẫn đối với các bạn trẻ. Ảnh minh họa.
Để chuẩn bị cho việc áp dụng thỏa thuận này, ASEAN đã hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và giáo trình đào tạo du lịch chung ASEAN cho 6 nghề du lịch đang hút nhiều lao động nhất gồm: Lễ tân, buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch và đại lý lữ hành.
ASEAN cũng thành lập Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) để tổ chức triển khai MRA-TP.
Hiện nay ASEAN đang gấp rút hoàn thiện các yếu tố đảm bảo cho MRA-TP có hiệu lực và có thể chính thức áp dụng vào đầu năm 2016, bao gồm: Ký hiệp định thành lập Ban Thư ký khu vực để triển khai MRA-TP; phát triển đội ngũ đào tạo viên, đánh giá viên ASEAN và mở rộng ở cấp độ từng quốc gia thành viên, phát triển các bộ công cụ đào tạo và đánh giá theo bộ 6 tiêu chuẩn nghề; thành lập các hội đồng ngành du lịch và hội đồng thẩm định và cấp chứng chỉ nghề ở từng quốc gia; tiến hành việc đối chiếu các tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia, chương trình đào tạo hệ thống văn bằng, chứng chỉ của các nước với nhau thông qua hệ quy chiếu chung của ASEAN, từ đó hướng tới việc công nhận tương đương về trình độ tay nghề của lao động du lịch trong khu vực; xây dựng lại hệ thống đăng ký trực tuyến và phần mềm đánh giá trình độ năng lực.
Cơ hội và thách thức của Việt Nam
Hiện nay, nhân lực đang bị đánh giá là một trong những khâu yếu nhất của ngành du lịch Việt Nam. Không chỉ thiếu hụt nhân sự cao cấp (quản lý khách sạn, nhà hàng cao cấp, lữ hành, điều hành tour…), mà ngay lực lượng lao động trực tiếp như bán hàng, phục vụ bàn ở quán ăn, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên buồng phòng… vẫn chưa đạt chuẩn, từ cung cách, thái độ phục vụ, đến nghiệp vụ du lịch.
Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm Việt Nam cần thêm 40.000 lao động, trong khi số lượng sinh viên tốt nghiệp trong ngành công nghiệp du lịch chỉ là 15.000 sinh viên/năm.
Ngành du lịch đang có khoảng 500.000 việc làm trực tiếp và 1 triệu việc làm gián tiếp trong năm 2014, và con số này được dự kiến đạt 650.000 việc làm trực tiếp và 2 triệu việc làm gián tiếp trong năm 2015.
Lực lượng lao động làm quản lý cũng dự kiến tăng 25%. Lực lượng lao động du lịch qua đào tạo và đạt chuẩn nghề thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế.
Việc triển khai Thỏa thuận MRA-TP sẽ có tác động tới tất cả các đối tượng liên quan trong ngành du lịch, bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch và đặc biệt là người lao động trực tiếp hay gián tiếp trong ngành du lịch.
Sự tác động này là thách thức hay cơ hội, phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta chuẩn bị để đón nhận nó ở trạng thái chủ động hay bị động.
Dưới tác động của MRA-TP, Việt Nam sẽ chứng kiến một thị trường lao động đầy biến động nhờ vào cơ chế tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động du lịch có tay nghề giữa các nước trong khu vực ASEAN.
Với việc triển khai MRA-TP, du lịch Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong khối ASEAN nói chung sẽ có thêm nhiều cơ hội tuyển lao động có tay nghề cao.
Việc tăng số lượng nhân viên được đào tạo và có trình độ trong tất cả các lĩnh vực của ngành du lịch và khách sạn sẽ nâng cao được chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Điều này sẽ có một tác động tích cực đến hình ảnh và uy tín của du lịch Việt Nam. Dịch vụ tốt hơn cũng dẫn tới khả năng cạnh tranh tốt hơn, lượng khách du lịch cũng sẽ nhiều hơn và theo đó tăng đóng góp vào GDP và doanh thu.
Du lịch là một ngành công nghiệp có thể tạo những hiệu quả tích cực cho các ngành công nghiệp có liên quan, nâng cao trình độ, kỹ năng của toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều này có thể dẫn đến gia tăng số lượng việc làm và tiền lương cho lao động trong nước.
Việc tuyển nhân sự chất lượng cao sẽ đi kèm với mức lương phải trả cho họ không hề nhỏ và doanh nghiệp du lịch Việt cũng hoàn toàn đứng trước nguy cơ “chảy máu” nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Người lao động bên cạnh cơ hội có mức lương tốt hơn cũng phải cạnh tranh vị trí việc làm khốc liệt hơn từ lực lượng lao động trên thị trường nội khối.
Để lấp khoảng trống về nguồn thiếu hụt nhân lực này, Tổng cục Du lịch đã giải quyết vấn đề cấp bách này bằng việc ban hành “Tiêu chuẩn kỹ năng của nghề du lịch Việt Nam-VTOS” với sự hỗ trợ của Dự án EU được thực hiện tại các cơ sở đào tạo du lịch.
Tổng cục Du lịch kỳ vọng, với sự hỗ trợ của EU, thông qua bộ tiêu chuẩn nghề VTOS này, các trường đại học, cao đẳng đào tạo du lịch sẽ được trang bị bài bản hơn để đào tạo một lực lượng lao động trẻ mà ngành du lịch đang thực sự cần.
Tuy nhiên, ông Kai Partale, chuyên gia phát triển ngành của Dự án EU cho rằng, Việt Nam nên lập một hội đồng nghề du lịch quốc gia và một khung chứng chỉ toàn diện, đảm bảo có đủ đào tạo viên, đánh giá viên/thẩm định viên và các trung tâm đánh giá tại chỗ và các chủ thể trong ngành đều hiểu biết về thủ tục của MRA-TP.
Đồng thời, cũng cần có một hệ thống cấp chứng chỉ và đăng ký được liên kết với Hệ thống đăng ký lao động du lịch ASEAN để chứng chỉ lao động du lịch của Việt Nam có thể liên thông, dịch chuyển thuận tiện nhất giữa các quốc gia trong khối.
Được xây dựng từ năm 2007, tiêu chuẩn VTOS đã và đang được các doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề du lịch sử dụng rộng rãi.
Hiện tại, khi đã được điều chỉnh và cập nhật dưới dạng cấu trúc module, 10 bộ tiêu chuẩn nghề VTOS đã được Tổng cục Du lịch phê duyệt để triển khai thực hiện trong ngành du lịch và khách sạn.
Các tiêu chuẩn VTOS phiên bản mới được xây dựng và dựa trên thang chuẩn là các tiêu chuẩn nghề quốc tế và phù hợp với hướng dẫn trong Quyết định số 09/2008/QĐ-BLĐTBXH của Bộ LĐTB&XH, trong đó quy định các nguyên tắc và quy trình xây dựng các tiêu chuẩn kĩ năng nghề quốc gia.
Nguồn www.chinhphu.vn