Chuyện "hoan nghênh thất bại"

(NTO) Trên các diễn đàn, các hội nghị hoặc tổ chức nghi thức lễ thì người chủ trì hay người đăng đàn diễn thuyết khi kết thúc bài phát biểu thường “Chúc mạnh khỏe và thành công”, rồi mọi người cùng nhau vỗ tay nhiệt liệt “hoan nghênh thành công”. Đó là chuyện công việc, ở xã hội đã thành thông lệ, năm mới người người chúc nhau cũng không thể thiếu “chúc thành công”. Thế nhưng, anh bạn vốn dân mọt sách lại cho rằng chúc thành công thì tàm tạm, còn “hoan nghênh thành công” xưa rồi, thời hiện đại phải “hoan nghênh thất bại”!

Nghe hắn tuyên bố chân lý của mình, thằng bạn tôi châm chọc: Này, đừng tưởng người thành đạt thì nói ngược cũng phải, nói xuôi cũng đúng đâu nhé. Hắn mỉm cười: Bởi vì lâu nay dân mình cứ thích nghe nói xuôi, chứ ai thích nói ngược đâu mà nhất là “trái ý mình” thì cứ như là nổi đoá vậy. Rồi hắn hỏi: Ông nhớ thời học trò tụi mình chứ? Lại câu hỏi thừa, cái thời đẹp nhất ai chẳng nhớ hỏi làm gì, tôi lầm bầm trong đầu. Không để ý đến vẻ mặt của tôi, hắn tiếp tục: Ngày đó, mình thuộc loại học giỏi nhất nhì khối, nhất là các môn tự nhiên, trường chọn tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi toán nhưng nhất quyết không đi. Thế mà, tốt nghiệp cấp hai không được tuyển thẳng lên cấp ba chỉ tại chữ xấu hơn gà bới nên bài văn tả cảnh cây đào ngày tết điểm bốn (4/10). Vào cấp ba, mình vẫn là thằng trò giỏi, tớ tự cho mình “thông minh vốn sẵn tính trời”, lại có các “fan” nữ sinh hâm mộ luôn vây quanh, có ai hơn chứ. Thế nhưng, như một quy luật của xã hội “Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy của ai tất cả”, nên dù học sinh giỏi nhưng năm hết cấp ba thi vào đại học lại không đủ điểm (môn ngoại ngữ điểm dưới trung bình). Ông thấy đấy, tuổi học trò dù học giỏi nhưng chỉ có thất bại và thất bại. Được cái, tớ vốn đơn giản, “trượt”, học lại thi tiếp có sao đâu, nhưng nhờ có thất bại tớ mới biết mình giỏi cái gì, yếu cái gì và “cắm đầu” vào học ôn để thi. Với khẩu hiệu “Người khác làm được thì mình cũng làm được”, thế rồi năm sau mình thi đậu đại học mà xếp hạng “Nhì”, cũng oai chứ. Bây giờ, tớ là doanh nhân khá thành công chính nhờ bài học thời học trò để rồi bản thân luôn “mở to mắt ra” mà nhìn thế giới xung quanh, mà học hỏi để vươn bằng “cái đầu” của mình với kho tri thức nhân loại cùng thực tiễn cuộc sống. Vậy nên cứ phải “hoan nghêng thất bại”, coi đó là việc bình thường, chứ “hoan nghênh thành công” thì chính sự “thành công” dễ làm cho mình chủ quan dẫn đến “chệch hướng” rồi thất bại!

Từ câu chuyện bạn mình, tôi chợt liên tưởng đến chuyện người Do Thái thuộc đất nước Israel, nơi sa mạc triền miên, đi từ giờ này sang giờ khác vẫn chỉ thấy hoang mạc. Vậy mà ở đó, họ đã gây dựng được một nền kinh tế nông nghiệp kỹ thuật cao, dựa trên nền tảng trí tuệ con người. Người Do Thái bị đẩy khỏi đất nước mình suốt hàng ngàn năm, rồi đi qua cả thảm họa diệt chủng thời Chiến tranh thế giới hai, lúc nào cũng đương đầu với thù địch xung quanh. Vậy mà họ vẫn kiên cường bảo tồn được dân tộc của họ và ngày nay thì phát triển đến tầm khiến thế giới phải ngưỡng mộ. Ngoài ý chí dân tộc, người Do Thái có phương châm: Mọi người có quyền làm, có quyền thử nghiệm, có quyền thất bại, không ai kỳ thị người thất bại cả. Ngược lại, họ còn khuyến khích người ta sau thất bại thì đứng lên rút kinh nghiệm làm tiếp, để đạt tới thành công.

“Hoan nghênh thất bại”, cứ tưởng đó là chuyện nói ngược, nhưng giờ đây đã trở thành phương châm sống của một số người. Họ xem thất bại là chuyện bình thường rồi tìm cách vượt lên và thành công. Để có được như vậy thì ngoài bản lĩnh, ý chí, họ biết học hỏi mọi điều từ kho tri thức nhân loại, từ thực tế và đủ sức tự tin vượt qua mọi thất bại. Trong thế giới hiện đại biến đổi nhanh chóng thì sẽ có những quan niệm, những tư duy trước đây đúng nhưng hôm nay khoa học chứng minh là sai. Chuyện “hoan nghênh thất bại” có lẽ sẽ giúp mỗi người thêm cách nhìn, phương pháp tư duy trái chiều và tìm ra chìa khoá cho sự thành công của chính mình.