(NTO) Hôm rồi, tình cờ đọc được mẫu chuyện đăng trên báo về một ngôi chùa ở TP. Hồ Chí Minh đã vận động phật tử không đốt giấy tiền, vàng mã mà để dành số tiền này vào việc giúp người nghèo một cách thiết thực... đã thực sự để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về sự lãng phí rất lớn diễn ra hàng ngày trong cuộc sống quanh ta. Nội dung câu chuyện này là: Gần 17 năm qua, với chương trình vận động phật tử không đốt giấy tiền, vàng mã để dùng chi phí đó ủng hộ người nghèo, chùa Liên Hoa (phường 8, quận 11, TP. Hồ Chí Minh) đã tích cóp được trên 12,5 tỷ đồng giúp cho hàng chục ngàn người nghèo có gạo ăn, học sinh có học bổng để tiếp tục đến trường, người mù nghèo được sáng mắt, nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa có được những cây cầu mới...
Đoàn từ thiện TP. Hồ Chí Minh, Chùa Quan Âm cùng nhóm Từ thiện Tp.Phan Rang - Tháp Chàm
tặng cho bà con thôn Ma Ty, Ma Lâm (xã Phước Tân, Bác Ái). Ảnh: Hoàng Lan
Có thể nói, đây là thành quả từ thiện tâm của Thầy Thích Duy Trấn – Trụ trì ngôi chùa này. “Thông điệp” nhà chùa đưa ra đó là vận động các phật tử khi vào chùa cúng vong linh, hài cốt thân nhân tuyệt đối không đốt giấy tiền, vàng mã mà chuẩn bị số tiền ấy để làm từ thiện...
Nhìn lại thực tế chung hiện có mấy nơi làm được!. Chỉ đề cập đến khía cạnh ma chay, giỗ chạp phần lớn gia đình đều mua vàng mã, tiền âm phủ... để đốt với suy nghĩ là cõi “dương” sao “âm” vậy. Người sống dùng tiền, vàng, đô la thì các hàng quán bán nhang giấy để cúng cũng có ngay, thậm chí là cả đồ... ngoại. Thế mới biết độ “nhạy cảm” của các cơ sở chuyên làm “hàng giả” này như thế nào!. Cũng có không ít gia đình cúng vong cho người thân đã khuất có cả nhà lầu, xe hơi, quần áo đẹp, thậm chí có cả ca sĩ nổi tiếng, mỹ nhân... tất nhiên là mô phỏng. Còn như đám tang thì không chỉ có đốt mà vàng mã, giấy tiền còn rải theo đường, làm ảnh hưởng đến môi trường không ít. Không biết thực hư của việc đốt giấy tiền, vàng mã này có mang đến “tận tay” để người đã khuất “tiêu xài” hoặc đốt càng nhiều càng thể hiện lòng “hiếu” của người thân hay không nhưng rõ ràng khoản tiền “đầu tư” vào việc này cũng khá lớn. Ít cũng mất vài trăm ngàn, còn như gia đình khá giả thì phải nhiều triệu đồng chứ không ít.
Thực ra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng đã có văn bản quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội nhưng xem ra “khó” đi vào cuộc sống do tập tục đốt giấy tiền, vàng mã chưa được thay đổi mấy, có khi còn phổ biến hơn, mức độ tiêu tốn nhiều hơn so với trước!.
Suy cho cùng đây là quan niệm về việc “hiếu” của mỗi người. Điều chúng tôi muốn nói là giá như ta nghĩ về những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn và dành khoản tiền đốt giấy tiền, vàng mã để làm từ thiện thì “tích đức” hơn nhiều. Nói như Thầy Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa như đề cập ở phần trên là: “Nếu phật tử nào đã từng nhìn thấy niềm vui của người mù được sáng mắt, thấy học trò nghèo nâng niu quyển tập trắng và thấy các em nhỏ tung tăng bước qua cây cầu khang trang, hay những gia đình trong lúc đói khổ nhận được gạo òa lên khóc... thì sẽ hiểu việc mình làm có ý nghĩa cao đẹp biết bao!”.
H.H