Theo đồng chí Lê Khắc Huy Anh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết: Việc cung cấp thông tin các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh phần lớn là từ Nhân dân. Do vậy, để huy động nguồn lực của cộng đồng dân cư chung tay cùng các cơ quan quản lý nhà nước tham gia bảo vệ môi trường, qua đó góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của Nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong công tác bảo vệ môi trường, ngành Tài nguyên và Môi trường đã thành lập các tổ cộng đồng tự quản về giám sát hoạt động xả thải vào môi trường của các cơ sở sản xuất tại các khu vực sản xuất tập trung có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh.
Các cơ sở sản xuất trong Cụm công nghiệp Tháp Chàm thường xuyên được giám sát
để hạn chế xả thải ra môi trường.
Theo đó, từ năm 2014 cho đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp; UBND Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, các huyện Ninh Hải, Thuận Nam thành lập đã thành lập 6 tổ cộng đồng giám sát (Tổ cộng đồng) tại các xã, phường: Đô Vinh, Văn Hải, thị trấn Khánh Hải, xã Thành Hải, Cà Ná và Phước Minh nhằm giám sát hoạt động xả thải vào môi trường của các cơ sở sản xuất tại các khu vực sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như cụm công nghiệp Tháp Chàm, khu công nghiệp Thành Hải, cụm mỏ đá Lạc Tiến-xã Cà Ná... Mỗi tổ có từ 7 - 9 thành viên là lãnh đạo UBND, cán bộ phụ trách vệ sinh môi trường, chủ tịch các tổ chức hội nông dân, phụ nữ, đại diện Nhân dân... của phường, xã. Các Tổ cộng đồng sẽ thực hiện giám sát và cung cấp thông tin về hoạt động xả thải vào môi trường (nước thải, khí thải, chất thải rắn) của các cơ sở sản xuất tại khu vực giám sát, đồng thời tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất tại khu vực giám sát... Từ ngày thành lập đến nay, thông qua hoạt động giám sát, cung cấp thông tin của các tổ cộng đồng đã hỗ trợ tích cực, kịp thời cho các cơ quan chức năng liên quan để xử lý các đối tượng vi phạm. Một trong những địa phương như phường Đô Vinh (Phan Rang-Tháp Chàm)- địa phương có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, do vậy Tổ cộng đồng ở đây đã thực hiện khá tốt việc giám sát hoạt động xả thải vào môi trường của các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường, đồng thời là Tổ trưởng Tổ cộng đồng cho biết: Từ năm 2014 trở về trước, có đơn vị như công ty mía đường Phan Rang thường xả thải ra kênh Bắc và kênh G2, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của những hộ dân sinh sống dọc 2 tuyến kênh nói trên. Nhưng từ khi thành lập đến nay, Tổ đã kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất hoạt động xả thải của nhà máy đường nói riêng, các cơ sở sản xuất tại khu vực Cụm công nghiệp Tháp Chàm nói chung nên đã hạn chế thấp nhất tình trạng xả thải ra môi trường. Hầu hết các cơ sở sản xuất đã thực hiện đúng các biện pháp bảo vệ môi trường theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt... Đánh giá về hiệu quả của mô hình nói trên, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết: Bước đầu thông qua hoạt động của các Tổ cộng đồng tự quản này đã thực sự phát huy được hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường như trước đây.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy vẫn còn không ít địa phương và cả đơn vị được gia nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường chưa sâu sát cơ sở, có nơi còn tỏ ra thờ ơ với việc xả thải của nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn, chưa thực hiện tốt việc giám sát các hoạt động xả thải làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, gây nên những bức xúc dẫn đến “điểm nóng” không đáng có. Để khắc phục rất cần đến sự chung tay hơn nữa của cộng đồng và trách nhiệm thực sự của ngành hữu quan trong công tác bảo vệ môi trường.
Mai Dũng