Vấn đề hôm nay:

Giá như có nhiều “đột phá” như Bệnh viện Đa khoa tỉnh!

(NTO) Có thể nói, vừa qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh ta đã tạo được bước “đột phá” bằng việc tổ chức khám, chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT nói riêng vào ngày thứ bảy hàng tuần. Nghĩa là tăng thêm một ngày làm việc cho một bộ phận y, bác sĩ nhưng đồng thời cũng tạo thêm một ngày “cơ hội” cho người bệnh có nhu cầu đến khám, chữa bệnh tại đơn vị. Nói thì đơn giản vậy nhưng để làm được điều đó phải có quyết tâm cao từ lãnh đạo bệnh viện đến đội ngũ y, bác sĩ, bởi lẽ nếp làm việc từ bấy lâu nay của các đơn vị hành chính, sự nghiệp nói chung đều có “quyền lợi” được nghỉ 2 ngày vào ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Đối với ngành Y thì đây cũng là thời gian để nhiều thầy thuốc “cải thiện” cuộc sống bằng chính nghề nghiệp của mình! Cho nên tăng ngày làm việc cũng là sự “xáo trộn” trong công việc cả “công” lẫn “tư”. Còn đối với người bệnh, qua tìm hiểu hầu hết đều rất phấn khởi vì ngày thứ bảy cũng là ngày nghỉ nên không ít người có thời gian để bản thân hoặc giúp người thân đến bệnh viện để khám, điều trị mà không phải “sử dụng” giờ làm việc của cơ quan để lo cho mình. Quả là thuận cả “đôi đường”.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tận tâm cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Trung

Cách làm của bệnh viện nói trên đã góp phần tạo nên “hình ảnh” mới cho ngành Y tỉnh nhà trong việc đổi mới thái độ, phong cách phục vụ, tạo mối quan hệ thân thiện giữa bệnh viện với người bệnh và người nhà của bệnh nhân, hướng đến mục tiêu mà toàn ngành phấn đấu vươn tới, đó là người bệnh sẽ là “khách hàng” đúng nghĩa khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh. Đây cũng là “hiện thực hóa” đạo đức nghề nghiệp, ý thức, tinh thần phục vụ Nhân dân của ngành Y. Tất nhiên, để hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân vẫn còn nhiều việc mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải làm, nhưng với những gì làm được đã là rất đáng hoan nghênh!.

Thực tế cho thấy, để thay đổi phong cách, thái độ của đội ngũ y, bác sĩ đối với bệnh nhân không dễ. Nếu có dịp đến các cơ sở y tế từ trạm y tế xã, phường đến phòng khám, bệnh viện tuyến huyện... đây đó còn nhiều lời phiền trách từ phía người bệnh, chủ yếu vẫn là thái độ phục vụ thiếu tôn trọng bệnh nhân, thiếu lắng nghe bệnh nhân “khai” bệnh, thậm chí còn quá “tự tin” vào “danh vị” bác sĩ mà phớt lờ sức khỏe người bệnh... Chính vì điều đó đã tạo “dấu ấn” không hay đối với người bệnh nói riêng và Nhân dân nói chung.

Bác Hồ luôn căn dặn: “Lương y phải như từ mẫu”. Chỉ cần học tập và làm theo lời Bác dạy thiết nghĩ đã là quá đủ mà không cần nhiều lời “diễn thuyết”, nói nhiều làm ít.

Mong sao, từ việc làm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ được lan tỏa để góp phần giảm tải và nâng tầm trách nhiệm người thầy thuốc như toàn ngành Y đã phát động thực hiện.