Vấn đề hôm nay:

Cảnh giác với...rau xanh!

(NTO) Mới đây, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra con số rất đáng suy nghĩ và mang tính cảnh báo người tiêu dùng, đó là có đến trên 10% số rau xanh trên thị trường bị nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt quá cao so tiêu chuẩn cho phép, tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Thực ra, đây cũng chỉ mới là con số mang tính bề nổi, còn trên thực tế có thể gấp nhiều lần con số nêu trên. Hệ lụy của tình trạng rau bị nhiễm dư lượng thuốc BVTV xảy ra mới đây nhất là vụ hàng ngàn công nhân của một doanh nghiệp ở Bình Dương phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm mà theo kết luận thì chủ yếu là ngộ độc do ăn phải rau bị nhiễm thuốc trừ sâu mà người trồng đã sử dụng và đưa ra thị trường “sớm” hơn so với khuyến cáo phải cách ly ít nhất 7-10 ngày!.

Nông dân xã Nhơn Hải (Ninh Hải) sản xuất rau an toàn cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Sơn Ngọc

Thực ra, những năm gần đây sản xuất rau an toàn luôn được khuyến khích để tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn phục vụ cho tiêu dùng. Tỉnh ta cũng đã hình thành một số vùng sản xuất rau an toàn và từng bước đã “xác lập” được thương hiệu, uy tín đối với người tiêu dùng như rau an toàn An Hải (Ninh Phước), một số nơi còn thành lập Hợp tác xã sản xuất rau an toàn như Văn Hải (Phan Rang-Tháp Chàm) để vừa thuận lợi trong việc triển khai kỹ thuật theo tiêu chuẩn ViệtGAP, vừa gắn với thị trường tiêu thụ...

Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu thị trường thì rau an toàn chỉ chiếm con số không đáng kể. Điều này dễ nhận biết nếu đi các chợ trong tỉnh. Phần nhiều là sản xuất “phụ” của nhiều nông hộ theo hình thức “tự sản tự tiêu”. Và tất nhiên khó có thể kiểm soát được rằng rau có nhiễm hoặc tồn dư thuốc BVTV hay không!. Thử tìm hiểu thực tế tại một số vùng trồng rau các loại, người trồng không ngần ngại cho rằng nếu không sử dụng thuốc sâu, thuốc kích thích làm cho lá xanh mướt, bắt mắt người mua... thì không có rau để bán vì sâu hại. Thậm chí, người trồng còn dùng nhiều loại thuốc khác nhau, liều cao và hỗn hợp nhiều loại thuốc khi phun... để trừ sâu, nấm gây hại. Cũng chính điều này, vô hình trung đã phát triển tính kháng thuốc của sâu hại trên rau. Đây quả thật là cái vòng “luẩn quẩn” mà hậu quả là rau kể cả củ, quả các loại bị tồn dư, nhiễm độc nặng thuốc BVTV độc hại mà cả người sản xuất cũng không biết cho nên cứ “vô tư” đưa ra thị trường. Còn người tiêu dùng không thể thiếu rau xanh trong bữa ăn nên khi hỏi, câu trả lời chúng tôi nhận được là… không biết đâu mà lần, hên... xui!.

Ngày 19-6-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1368/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo Kế hoạch này, trọng tâm là hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” trong sản xuất rau...; quảng bá các sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn đồng thời thanh, kiểm tra và công khai cơ sở sản xuất, kinh doanh không đạt các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm...

Chung quy lại, để có rau an toàn cho người tiêu dùng, hạn chế đến mức thấp nhất những ngộ độc thực phẩm nói chung, ngộ độc rau xanh nói riêng trước hết các cơ quan chức năng cần gắn tuyên truyền với tăng cường kiểm tra thực địa, tại cơ sở sản xuất để có khuyến cáo sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách). Mặc khác, cần có chế tài đối với những nông hộ cố tình vi phạm... Đối với người tiêu dùng lời khuyên “muôn thuở” vẫn là: Hãy làm người tiêu dùng thông thái bằng kiến thức sử dụng thực phẩm và cảnh giác cao với thực phẩm không an toàn, trong đó có các loại rau xanh.