Dự án Hỗ trợ Tam nông thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xã Phước Hà phát triển bền vững

(NTO) Phước Hà là xã vùng núi đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Nam. Toàn xã có 651 hộ/3.218 nhân khẩu, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Xác định được hưởng lợi Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) sẽ góp phần đẩy nhanh tỷ lệ giảm nghèo, nên từ năm 2011 đến nay, xã đã tập trung triển khai đồng bộ các hợp phần đạt được nhiều kết quả.

Đồng chí Tạ Yên Úc, Chủ tịch UBND xã Phước Hà, cho biết: Xuất phát từ thực tế khó khăn của địa phương, quá trình triển khai dự án, xã ưu tiên tập trung cho đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, phục vụ dân sinh. Trong 4 năm thực hiện dự án, đến nay, trên địa bàn được đầu tư 9 công trình: 1 công trình chợ, 4 công trình cầu, 2 công trình thủy lợi, 2 đường bê-tông với chiều dài 2.500m, đã tạo thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị đơn vị canh tác, sản xuất nông nghiệp có chuyển biến tích cực. Từ chỗ canh tác nhỏ lẻ, manh mún, đến nay trên địa bàn đã hình thành những vùng sản xuất tập trung với các loại cây trồng chính như lúa, bắp, đậu xanh... Bước đầu làm thay đổi nhận thức của nông dân từ tập quán sản xuất lạc hậu, dần dần mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

 
Hoạt động có hiệu quả của Dự án Hỗ trợ Tam nông đã góp phần cho chăn nuôi
ở xã Phước Hà phát triển theo hướng bền vững

Đến nay, xã Phước Hà đã thành lập 6 nhóm đồng sở thích chăn nuôi, trồng trọt, với sự tham gia của 66 hộ; trong đó có 49 hộ nghèo. Ban Phát triển huyện, xã, tích cực hỗ trợ các nhóm xây dựng quy chế quản lý và kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, hoạt động của nhóm ngày càng đi vào chiều sâu, chủ động lập kế hoạch xin tài trợ từ nguồn vốn Dự án cạnh tranh nhỏ đầu tư chăn nuôi gia súc. Để tạo sinh kế cho hộ nghèo, từ năm 2014 đến nay, dự án tập trung hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các nhóm đồng sở thích. Cụ thể, đã hỗ trợ 4 tấn giống cho 35 hộ nghèo, ở 5 thôn trên toàn xã sản xuất 20ha lúa và đậu xanh đạt năng suất cao, nâng giá trị đơn vị canh tác từ 20 triệu đồng lên 25 triệu đồng/ha/vụ. Hỗ trợ 5 con bò giống và 30 con cừu sinh sản cho thành viên các nhóm đồng sở thích, nuôi theo hình thức xoay vòng. Ngoài ra, dự án cũng đã hỗ trợ máy cày, máy gặt cho nhóm đồng sở thích trồng lúa ở các thôn: Là A, Trà Nô, Giá, Rồ Ôn. Hoạt động hỗ trợ đã có tác dụng nâng cao thu nhập tăng thêm cho các thành viên tham gia vào chuỗi giá trị từ 20-25%.

 Đồng chí Tạ Yên Úc cho biết thêm, việc triển khai các hợp phần của dự án có hiệu quả đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở vùng cao phát triển theo hướng bền vững, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Kết quả rà soát của Ban Phát triển xã, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 42,78% (năm 2011) xuống còn 38% hiện nay. Từ nay đến cuối năm 2015, Ban Phát triển xã tổ chức tập huấn hiện trường kỹ thuật trồng lúa theo từng giai đoạn sản xuất; tiếp tục hỗ trợ bò giống, cừu sinh sản cho các nhóm đồng sở thích chăn nuôi ở thôn Rồ Ôn, xây dựng đề án phát triển sản xuất để sớm tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ CSG. Khi tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ (khoảng 100 triệu đồng), Ban Phát triển xã sẽ hướng dẫn các nhóm sử dụng có hiệu quả, tập trung mua thêm con giống chất lượng cao để cải tạo đàn; xây dựng chuồng trại đạt chuẩn, hợp vệ sinh; mở rộng đồng cỏ để đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững. Ngoài ra, dự án chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường; tiếp tục duy trì mối liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.