DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Nhóm cùng sở thích nuôi heo đen thôn Cầu Gãy

(NTO) Nhóm cùng sở thích (NST) nuôi heo đen thôn Cầu Gãy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) được thành lập đầu năm 2014 với sự hỗ trợ nguồn lực từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN). Qua thời gian triển khai hoạt động, nhóm đã xác định được hiệu quả kinh tế bước đầu, đồng thời khẳng định nuôi heo đen là nghề phù hợp và có khả năng tạo sinh kế lâu dài cho đồng bào Raglai ở địa phương.

Cầu Gãy là một trong 2 thôn có 100% đồng bào Raglai của xã Vĩnh Hải với dân số chỉ có 80 hộ/285 khẩu sinh sống. Do diện tích đất bằng để canh tác nông nghiệp rất ít, lại nằm trong vùng không chủ động nước nên đời sống bà con chủ yếu dựa vào canh tác lúa, bắp trên đất đồi, núi “ăn nước trời” và chăn nuôi nhỏ lẻ.

Nuôi heo đen thôn Cầu Gãy.

Lâu nay việc chăn nuôi của người dân trong thôn cũng rất hạn chế, ngoài một số ít heo đen của địa phương thì toàn thôn cũng chỉ có vài hộ có bò, dê. Vì vậy, khi Dự án HTTN được triển khai về thôn, để lựa chọn được chuỗi giá trị phù hợp, thu hút người dân tham gia phát triển đặt ra nhiều khó khăn cho chính quyền cơ sở. Chị Cao Thị Luôn, Trưởng nhóm nuôi heo đen thôn Cầu Gãy cho biết: Khi triển khai dự án HTTN, Ban phát triển xã định hướng lựa chuỗi heo đen vì nhìn từ thực tế thì nuôi heo đen là phù hợp do bà con vốn có truyền thống chăn nuôi từ lâu đời và gần như nhà nào trong thôn cũng có đàn heo. Bên cạnh đó, thuận lợi trong chăn nuôi heo đen ở thôn là các hộ có đất rộng, nhiều cây cối che mát cho heo và có ưu thế tận dụng được thức ăn tại chỗ, thị trường tiêu thụ rộng. Tuy nhiên, do tập quán nuôi thả rông và cho ăn theo kiểu “có gì ăn nấy” nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế cho nghề nuôi heo đen của đồng bào Raglai thôn Cầu Gãy , Ban phát triển xã Vĩnh Hải đã thành lập NST nuôi heo đen thôn Cầu Gãy với sự tham gia của 10 thành viên đều là phụ nữ thuộc gia đình hộ nghèo. Nhóm được Dự án cấp 10 con heo đen sinh sản và hỗ trợ làm chuồng, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, thú y. Ngoài ra, khi chọn phát triển chuỗi giá trị heo đen, các thành viên trong NST cũng đã xác định nuôi theo cách gầy đàn để khi dự án kết thúc, mỗi hộ nghèo có thể tự duy trì đàn heo và phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ thành viên như chị Cao Thị Xin, Cao Thị Vin, Cao Thị Luôn… đã áp dụng được những kiến thức chăn nuôi, thú y được Dự án HTTN tập huấn vào chăn nuôi, chủ động phát hiện bệnh và phòng ngừa hiệu quả; tỷ lệ sống của heo con đạt trên 80%. Heo con sinh trưởng tốt và được nuôi để bán thương phẩm, giá từ 700.000 đến 1.000.000 đồng/con, nâng giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với bán heo sữa.

Nói về tác động của NST nuôi heo đen của Dự án HTTN triển khai, ông Cao Văn Đen, Bí thư chi bộ thôn Cầu Gãy cho rằng: Nuôi heo đen là đối tượng nuôi truyền thống của bà con vùng núi, nhanh cho thu nhập hơn so với nuôi bò hay dê, cừu vì bà con có thể bán con non hoặc nuôi lớn bán thịt thì đều được. Nhờ ưu điểm của nuôi heo đen là tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, ít bị bệnh dịch, nên đàn heo Tam nông phát triển tốt, mỗi hộ nhận nuôi heo nái từ Dự án HTTN đến nay đã có đàn heo 7-10 con. Do thời tiết khô hạn, thức ăn khan hiếm hơn nên một số hộ đã bán heo sữa với giá 300-500 ngàn đồng/con để heo mẹ sinh sản lại nhanh hơn, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như Dự án HTTN nên ngoài NST nuôi heo đen thì Dự án còn triển khai cho thôn 1 NST nuôi bò và 1 NST làm đồ mỹ nghệ từ hạt cây rừng. Mong muốn của bà con hiện nay là Dự án tiếp tục hỗ trợ các NST kết nối với doanh nghiệp để tạo “đầu ra” ổn định về số lượng và giá cả cho chăn nuôi cũng như mặt hàng sản phẩm mỹ nghệ, qua đó giúp đồng bào Raglai thôn Cầu Gãy có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững.

Kỹ thuật trồng hành lá

Hành lá là loài cây có thể trồng quanh năm, thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở tỉnh ta. Sử dụng giống địa phương, lượng giống cần cho 1.000m2 từ 300 – 500kg. Làm tơi đất, sạch cỏ, lên liếp trồng rộng từ 1,2 – 1,4m, cao 20 – 40cm, khoảng cách hàng từ 20 – 30cm, khoảng cách cây 20 – 25cm. Mỗi hốc trồng 2 tép hành. Lượng phân bón cần cho 1.000m2 là 40kg DAP, tro trấu đã ủ hoai 200 – 300kg. Thực hiện tưới 1-2 lần/ngày. Thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên hành để có biện pháp xử lý cho phù hợp. Sau 45 – 60 ngày, hành có thể cho thu hoạch. Ngưng phun thuốc bảo vệ thực vật trước thu hoạch 20 ngày.