1. Thế giới ngày nay được nhận thức, đánh giá trong những chuyển động sâu sắc, bước ngoặt. Đó là cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang làm thay đổi tận tầng sâu nền sản xuất vật chất đương đại, tạo ra nhiều lực lượng sản xuất và phương thức tổ chức, quản lý sản xuất mới, dẫn tới sự ra đời của nền kinh tế tri thức. Với tư cách là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ ba, cách mạng khoa học công nghệ đang chế tạo ra các công cụ sản xuất không chỉ thay thế lao động chân tay, mà còn cả lao động trí óc của con người, biến khoa học thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
Tiếp theo là nhận thức về xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như tất yếu của các lực lượng sản xuất hiện đại đạt tới trình độ phát triển cao nhờ cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Quá trình liên quốc gia hóa mà Mác - Ăng-ghen đề cập cách đây hơn 160 năm trở thành quá trình toàn cầu hóa và nhất thể hóa ngày nay. Kinh tế quốc tế và chính trị quốc tế được thay thế bằng kinh tế thế giới và chính trị thế giới, tiếp cận toàn bộ thế giới trong các quan hệ hữu cơ cả đối nội và đối ngoại.
Trên ý nghĩa rất lớn, có thể nhận định rằng, một thời đại kinh tế mới đã xuất hiện, các chủ thể quốc tế đang tích cực tư duy lại về nhiều vấn đề của thế giới; đồng thời, đang cấu trúc lại các thành tố của bản thân thế giới ngày nay. Với tư duy biện chứng, Dự thảo Báo cáo Chính trị nhận diện các chuyển động quan trọng nhất gồm: “Cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực… Các quốc gia tham gia ngày càng sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu… Hầu hết các nước trên thế giới đều điều chỉnh chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới thể chế kinh tế…”.
2. Thế giới ngày nay được nhận thức như môi trường tồn tại của các quốc gia dân tộc. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh và đối đầu giữa hai hệ thống trước kia, thế giới được nhìn nhận trước hết như mặt trận đấu tranh. Ngay từ rất sớm, Đại hội VI của Đảng đã nhận định: “Trên thế giới đang hình thành một thị trường, trong đó hai hệ thống kinh tế đối lập đấu tranh với nhau quyết liệt, mặt khác, sự hợp tác kinh tế là yêu cầu phát triển tất yếu của cả hai hệ thống”. Một thị trường của cả hai hệ thống - đây là phát hiện đánh dấu mốc son trong quá trình Đảng ta nhận thức, đánh giá về thế giới. Tư duy đặc sắc này được tiếp tục bổ sung, phát triển thông qua nhiều quan điểm, lập trường đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong các Đại hội vừa qua. Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “Trong những năm tới tình hình sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn… Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước ngày càng tăng”.
Nhìn trong biểu hiện thường ngày, thế giới thật không yên ổn; nhưng xét trên phương diện cơ chế vận hành, thế giới đương đại tiếp tục vận động trong xu thế hòa bình, chí ít là trong tầm nhìn đến giữa thế kỷ 21. Không gian và thời gian quý báu này chính là môi trường tồn tại chung của tất cả các quốc gia dân tộc, các lực lượng chính trị trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bởi vậy, ngay trong tiêu đề, Dự thảo Báo cáo Chính trị nhấn mạnh mục tiêu song trùng “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”.
3. Trật tự thế giới mới đang trong quá trình hình thành, tạo nên một cục diện đa cực, đa trung tâm với nhiều chuyển động địa chiến lược đa dạng, đa chiều. Đại hội XI của Đảng (năm 2011) chỉ rõ: "cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn, xu thế dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển nhưng các nước lớn vẫn sẽ chi phối các quan hệ quốc tế". Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này bổ sung, làm rõ: “Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế. Các thể chế đa phương đứng trước những thách thức lớn”.
Mặt khác, cục diện thế giới đương đại được Đảng nhận thức trong tính toàn diện của nó, cả trên bình diện kinh tế, quân sự, an ninh, chính trị, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa…; cả trên phương diện sức mạnh cứng, hữu hình và sức mạnh mềm, vô hình; căn cứ vào cả năng lực trong đối nội quốc gia cũng như đối ngoại toàn cầu… Chưa bao giờ cục diện thế giới được định hình trong tính lập thể phức hợp như hiện nay; mặt khác, tính không cân xứng giữa các cực, các trung tâm trong cục diện thế giới cũng là hiện tượng chưa có tiền lệ, ít nhất là từ thời cận đại đến nay. Trong cục diện đặc thù này, như Dự thảo Báo cáo Chính trị nêu rõ: “Các nước đang phát triển, nhất là những nước vừa và nhỏ đang đứng trước những cơ hội và khó khăn, thách thức lớn trên con đường phát triển”.
4. Quan hệ giữa các nước trên thế giới, nhất là quan hệ giữa các nước lớn tiếp tục có biến động và mang đặc điểm bao trùm là vừa hợp tác nhiều mặt, vừa cạnh tranh gay gắt và sẵn sàng thỏa hiệp với nhau. Đảng cầm quyền và chính phủ ở các nước trên thế giới đều điều chỉnh, thậm chí xây dựng mới chiến lược đối ngoại, trong đó lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm căn cứ hàng đầu quan trọng nhất cho các chính sách, hoạt động cụ thể. Với tầm nhìn tinh tế về thời cuộc, Dự thảo Báo cáo Chính trị xác định: “Các nước lớn vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới và khu vực. Tập hợp lực lượng, liên kết, cạnh tranh, đấu tranh giữa các nước trên thế giới và khu vực vì lợi ích của từng quốc gia tiếp tục diễn ra phức tạp”.
Các nước lớn cạnh tranh với nhau không chỉ dưới hình thức trực tiếp, mà còn thông qua sự can dự vào các thiết chế liên kết đa dạng, các khuôn khổ tập hợp lực lượng lợi hại.
5. Để xây dựng tầm nhìn toàn diện về thế giới hiện nay, nên bổ sung vào văn kiện Đại hội XII sự đánh giá của Đảng ta về tình hình và cuộc đấu tranh của các lực lượng cộng sản, cánh tả, cách mạng và tiến bộ trên thế giới. Trong những năm vừa qua, mặc dù còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những lực lượng này đã có bước phục hồi, trụ vững, phát triển năng động không thể phủ nhận. Điển hình là ở khu vực Mỹ La-tinh rộng lớn: năm 1991 chỉ có duy nhất Đảng Cộng sản Cu Ba ở vị trí cầm quyền, đến nay có thêm 12 đảng cánh tả, cách mạng tiến bộ đã giành được chính quyền thông qua con đường đấu tranh chính trị - xã hội, kiên định tập hợp quần chúng xây dựng một chế độ thay thế mô hình tự do mới của chủ nghĩa tư bản.
Đánh giá chung, nhận thức, nhận định về thế giới ngày nay thể hiện trong các văn kiện chính thức của Đảng từ năm 1986 đến nay, mới nhất là trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII là kết quả của quá trình vận dụng sáng tạo quan điểm, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào nghiên cứu một thế giới cụ thể trong những bước vận động quanh co của lịch sử; đồng thời, cũng là kết quả của quá trình bám sát những chuyển động mau lẹ, khó lường của đời sống quốc tế; kịp thời tổng kết thực tiễn nhằm xác lập tư duy, tầm nhìn về một thế giới đang thay đổi. Đây là một trong những cơ sở lý luận và thực tiễn hàng đầu, quan trọng nhất cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách nhằm củng cố, phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và tiếp tục đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam