Kiên Giang cần chú trọng phát triển kinh tế biển

Kiên Giang cần chú trọng phát triển kinh tế biển, nhất là những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như nuôi trồng, đánh bắt hải sản xa bờ, vận tải biển, du lịch biển đảo; đồng thời  xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện Đề án Đặc khu kinh tế Phú Quốc.

Ngày 16/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã khai mạc với 350 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 49.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ tham dự. Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và chỉ đạo Đại hội.

Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Lê Hồng Anh biểu dương Đảng bộ, quân và dân tỉnh Kiên Giang đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết, nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, đạt được những thành tích khá toàn diện.

Đồng chí cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế tác động trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang trong nhiệm kỳ qua và lưu ý Đảng bộ tỉnh Kiên Giang trong nhiệm kỳ mới cần phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tận dụng thời cơ, huy động, sử dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Đảng bộ cần có giải pháp tích cực, hiện hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 - 2020. Xây dựng các cơ chế, chính sách của tỉnh phù hợp để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Thực hiện tốt việc liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu; triển khai nhanh các công trình ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Kiên Giang cũng cần chú trọng phát triển kinh tế biển, nhất là những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như nuôi trồng, đánh bắt hải sản xa bờ, vận tải biển, du lịch biển đảo. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện Đề án Đặc khu kinh tế Phú Quốc, có chính sách đột phá để thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực thực sự; tạo điều kiện thuận lợi cho Phú Quốc phát triển thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trước mắt, sớm xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Tỉnh cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, thu hút lao động có kỹ thuật, tay nghề cao về làm việc; chăm lo tốt các đối tượng chính sách, người có công; gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo một cách bền vững.

Tỉnh cũng cần thực hiện tốt công tác đối ngoại, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị với Campuchia nói chung và với các tỉnh giáp biên giới của Campuchia nói riêng, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đồng chí Lê Hồng Anh lưu ý Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nêu cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng và sáng suốt lựa chọn bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ X.

Ảnh: TTXVN

Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 2015-2020.

Theo đó, tỉnh phấn đấu thực hiện một số mục tiêu chủ yếu, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,5%/năm trở lên. Đến năm 2020, trong cơ cấu kinh tế, nông- lâm- thủy sản chiếm 36,3%; công nghiệp-xây dựng 23,4%; dịch vụ 40,3%; GDP bình quân đầu người 3.000 USD trở lên. Sản lượng lương thực đạt 5 triệu tấn trở lên; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 755.505 tấn (trong đó tôm nuôi 80.000 tấn); kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD…

Tỉnh xác định các khâu đột phá là: Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển; tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; xây dựng, phát triển huyện đảo Phú Quốc theo mô hình Đặc khu kinh tế để trở thành động lực phát triển của tỉnh.

Nguồn www.chinhphu.vn