Làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất
Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) gồm 6 phần với 690 điều. Bộ luật quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.
Cho ý kiến về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), các đại biểu tập trung vào hai vấn đề là lãi suất trong hợp đồng vay tài sản (điều 465) và chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự (Điều 101).
Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản (Điều 465), theo báo cáo một số vấn đề giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản (quy định hiện hành là 150%) và đề nghị không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, nên quy định một mức lãi suất cố định trong Bộ luật dân sự với tỉ lệ % tính theo năm của khoản tiền vay cho ổn định.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại phiên hop. (Ảnh: TTXVN)
Nhiều ý kiến khác cũng đề nghị nên nghiên cứu sử dụng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu Chính phủ hoặc lãi suất của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn để tham chiếu…
Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban pháp luật xin ý kiến 2 hai phương án: Một là quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật dân sự là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay. Hai là giữ như quy định của dự thảo trình Quốc hội, vẫn sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định quy định về trần lãi suất của Bộ luật dân sự sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, người cho vay tối thiểu phải được 21%/ năm như vậy nếu để mức 20% thì người cho vay bị thiệt.” Tôi đề nghị nâng lên là 30%, còn nếu cho vay với lãi suất trên 30% sẽ coi là cho vay nặng lãi”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính nhấn mạnh.
Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng phương án 2 là phương án thực tế hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Trong tình hình lạm phát có 2 đến 3% mà cho vay tới 20% và lên 30% thì không chấp nhận được. Trong trường hợp lãi suất có 10% mà cho vay tới 20% đã nặng lãi rồi. Chỉ phức tạp là ngân hàng nhà nước phải đưa ra một lãi suất cơ bản làm thước đó. Phương án 2 là phương án thực tế hơn.
Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân
Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự (Điều 101), báo cáo cũng nêu rõ, nhiều ý kiến tán thành dự thảo Bộ luật quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự vì cho rằng pháp luật cần ghi nhận thực tiễn cuộc sống, trong khi đó với đặc thù của Việt Nam thì hộ gia đình và tổ hợp tác là hai chủ thể khá phổ biến trong xã hội, đặc biệt ở nông thôn.
Về vấn đề này Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, đã là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự thì phải có đầy đủ quyền, nghĩa vụ chủ thể, phải chịu trách nhiệm về việc tham gia quan hệ dân sự của mình. Vì vậy, chỉ có cá nhân và pháp nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Qua tổng kết thi hành Bộ luật dân sự 2005 cho thấy, sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác trong quan hệ dân sự thường được thực hiện thông qua các thành viên cụ thể, nhưng sự tham gia vào giao dịch dân sự của các chủ thể này còn rất nhiều vướng mắc.
Thực tiễn cho thấy, khi có tranh chấp thì Tòa án cũng không thể quy trách nhiệm chung của hộ gia đình, tổ hợp tác mà đều phải thông qua chủ thể là cá nhân. Do đó, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho được chỉnh lý Điều 101 về chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như trong dự thảo.
Cũng trong chiều 15/10, các đại biểu nghe báo cáo và cho ý kiến về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trưng cầu ý dân. Luật này quy định về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam