Hiện nay, các hội ở nước ta phát triển đa dạng với quy mô, phạm vi và tính chất hoạt động khác nhau. Về số lượng, tính đến tháng 12/2014, cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù (28 hội hoạt động phạm vi cả nước và 8.764 hội hoạt động phạm vi địa phương).
Về cơ bản, mô hình tổ chức và hoạt động của các hội là phù hợp với quy mô, tính chất, vai trò của từng hội. Nhiều hội đã phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết hội viên, có đóng góp tích cực vào việc bảo vệ, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên. Tuy nhiên, đến nay công tác quản lý nhà nước về hội và tình hình tổ chức, hoạt động của hội còn có những bất cập.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp.
(Ảnh: TTXVN)
Về đối tượng áp dụng, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với dự thảo Luật, đó là Luật này không áp dụng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam vì cho rằng đây là các tổ chức chính trị - xã hội có vị trí, vai trò đặc biệt, được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng và được Đảng bố trí các cán bộ chủ chốt trong ban lãnh đạo. Hơn nữa, một số tổ chức chính trị - xã hội đã được điều chỉnh trong các luật, pháp lệnh khác như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Pháp lệnh Cựu chiến binh…
Đối với hội không có tư cách pháp nhân (như hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, dòng họ...), Chính phủ đề nghị không áp dụng luật này vì các hội này không có điều lệ, hoạt động chỉ mang tính gặp gỡ, trao đổi thông tin, không có người đại diện của hội trước pháp luật.
Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều đại biểu đồng tình với Chính phủ. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, nên xác định rõ phạm vi đối tượng của luật này, do đó Luật phải khái niệm lại Hội vì như trong dự thảo Luật đối tượng là quá rộng, bao trùm hết các đối tượng không quy định trong Luật. Ngoài ra, Tờ trình của Chính phủ cần có báo cáo nêu rõ đối với những tổ chức không có tư cách pháp nhân thì sẽ chịu điều chỉnh của văn bản pháp luật nào, vai trò quản lý nhà nước thể hiện ra sao...
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị, Luật không nên phân biệt hội có hay không có tư cách pháp nhân, mà chỉ nên phân biệt hội có đăng ký và hội không có đăng ký, vì việc xác định pháp nhân phải theo quy định của Bộ luật Dân sự, nếu đủ các điều kiện của một pháp nhân thì được coi là pháp nhân; đồng thời, dự thảo Luật nên thiết kế một chương riêng quy định về hội không có đăng ký (không có tư cách pháp nhân) để bảo đảm sự quản lý nhà nước đối với các hội này.
Về chính sách đối với hội, dự thảo Luật quy định, đối với các hội do Đảng và Nhà nước có nhu cầu thành lập và đã được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được ngân sách nhà nước cấp, khoán kinh phí hoạt động; đối với những hội còn lại, kinh phí hoạt động thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ Nhà nước giao (nếu có).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, phải làm rõ thêm hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, không được chia lợi nhuận; và cho rằng, quy định như dự thảo Luật là “bó buộc”, phải chăng đã lập hội thì không được mục đích kinh doanh, nhưng một số hội như: Hội Người mù, Hội Người khuyết tật... được thành lập để giúp đỡ nhau, chia sẻ với nhau nâng cao đời sống thì giải quyết sao?
Mặt khác, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng, hiện có một tỷ lệ không nhỏ hội bám vào ngân sách nhà nước, chưa kể số tiền tài trợ. Do đó, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề nghị các hội khi thành lập phải tự bảo đảm trang trải chi phí, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ Nhà nước giao theo quy định của Chính phủ; đồng thời, phải thực hiện đúng theo quy định của Luật Ngân sách.
Về người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam tham gia hội, nhiều đại biểu tán thành việc cho phép người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp cụ thể được quy định ngay trong Luật mà không giao Chính phủ quy định.
Cũng trong sáng 15/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam