Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Sáng 13/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ 23 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp cho ý kiến vào Đề án “Tăng cường công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng Công an nhân dân” và Đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong các hoạt động tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Theo Tờ trình của Đảng ủy Công an Trung ương, Đề án “Tăng cường công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng Công an nhân dân” xác định phạm vi về lĩnh vực, đối tượng gồm: hoạt động điều tra của cơ quan điều tra; hoạt động điều tra của cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; thi hành án hình sự; công tác tạm giữ, tạm giam; dẫn giải bị can, bị cáo, bảo vệ phiên tòa; giám định tư pháp hình sự; khám nghiệm hiện trường...

Cũng theo Tờ trình của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong các hoạt động tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý” xác định phạm vi bao gồm các lĩnh vực chủ yếu về hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý (thi hành án dân sự, quản lý nhà nước về luật sư, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản).

Góp ý vào Đề án của Bộ Công an, nhiều đại biểu cho rằng, phần nội dung về mục tiêu, phạm vi của Đề án chưa đầy đủ, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung về cơ sở pháp lý như: bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như Hiến pháp năm 2013, các văn bản pháp luật về tố tụng hình sự, tổ chức điều tra hình sự, thi hành án hình sự… và các văn bản có liên quan đến hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng Công an nhân dân.

Về giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, Đảng ủy Công an Trung ương đã đưa ra 7 nhóm giải pháp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, một số giải pháp còn chung chung, mang tính định hướng, chưa cụ thể, sát hợp với thực trạng tiêu cực. Do vậy, cần bổ sung nội dung về phương hướng phòng, chống tiêu cực... Ngoài ra, cần xác định rõ thời gian và trách nhiệm triển khai thực hiện từng giải pháp cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan được giao thực hiện các hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp của lực lượng Công an nhân dân.

Góp ý vào Đề án của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp, nhiều ý kiến cho rằng, Đề án được xây dựng công phu, nghiêm túc trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn công tác phòng, chống tiêu cực trong các lĩnh vực hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp.

Mục đích của Đề án cũng đã được xác định rõ, cụ thể. Tuy nhiên theo các đại biểu, để đảm bảo sự phù hợp với lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp cần sửa tên gọi của Đề án. Khi lý giải về sự cần thiết, mục đích yêu cầu xây dựng đề án, cần nêu đầy đủ hơn cơ sở thực tiễn, vì việc xây dựng Đề án không chỉ xuất phát từ những hạn chế của công tác phòng, chống tiêu cực trong thời gian qua, mà chủ yếu xuất phát từ tình hình, diễn biến cũng như dự báo tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý và nhu cầu đấu tranh phòng, chống các hiện tượng đó.

Kết luận phiên họp thứ 23, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương biểu dương và đánh giá cao việc xây dựng Đề án của Bộ Công an và Bộ Tư pháp; đồng thời đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự phiên họp và đề nghị hai cơ quan tiếp thu các ý kiến đóng góp vào Đề án để sớm hoàn chỉnh triển khai ở từng cơ quan trong thời gian tới.

Chủ tịch nước đề nghị, trong mục tiêu của các Đề án cần bám sát yêu cầu của văn kiện Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị để xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, công bằng và bảo vệ quyền con người; đây chính là mục tiêu và tôn chỉ để xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, các Đề án cần phải nhận diện đầy đủ, đánh giá cụ thể các hành vi tiêu cực, biểu hiện tiêu cực trong hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp; đồng thời rà soát, bổ sung thêm các hành vi tiêu cực và biểu hiện tiêu cực chưa được nhận diện đầy đủ, để qua đó đưa ra được những giải pháp mang tính đột phá.

Ngoài ra, Chủ tịch nước lưu ý, tập trung việc tổ chức thực hiện Đề án, từ đó thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Đặc biệt, cần phân công nhiệm vụ, trách nhiệm phải rõ ràng, bằng cách rà soát lại hệ thống quy chế trong nội bộ và quy chế phối hợp giữa các ngành, các tổ chức và các địa phương có liên quan. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, giám sát chéo lẫn nhau nhằm giảm bớt tiêu cực và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam