Thống nhất gia nhập Công ước La Hay về tống đạt

Chiều ngày 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc gia nhập Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.

 Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại là công ước đa phương do Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế soạn thảo và được thông qua vào ngày 15/11/1965 tại phiên họp lần thứ 10 của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (Hội nghị La Hay), có hiệu lực kể từ ngày 10/02/1969. Hiện nay, Công ước Tống đạt có 68 quốc gia thành viên từ các nền kinh tế phát triển và đang phát triển với truyền thống pháp luật khác nhau. Nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Cô-oét… đều đã là thành viên Công ước.

Công ước Tống đạt chỉ tập trung vào 2 vấn đề chính là: thủ tục tống đạt giấy tờ và xét xử vắng mặt liên quan đến việc tống đạt giấy triệu tập bị đơn.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc gia nhập Công ước có nhiều lợi ích. Cụ thể, về mặt chính trị, việc Việt Nam gia nhập Công ước Tống đạt một mặt thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, mặt khác thể hiện sự sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với các nước trên thế giới nói chung trong việc cùng hỗ trợ nhau giải quyết những vấn đề tư pháp quốc tế.

Về kinh tế - xã hội, việc gia nhập Công ước Tống đạt sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự, thương mại và qua đó cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam thông qua việc nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc cần ủy thác tư pháp ra nước ngoài.

Mở đầu phần thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ băn khoăn khi Công ước được đánh giá là quan trọng nhưng Đông Nam Á chưa có nước nào tham gia. “Mình đi trước có thuận lợi hơn hay họ dè dặt cái gì?” – ông Nguyễn Văn Giàu đặt câu hỏi.

Đồng tình với đánh giá việc gia nhập sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự, thương mại và qua đó cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam là hấp dẫn, song Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đây chỉ là đánh giá chung chung và đề nghị lượng hóa rõ.

Nhất trí gia nhập Công ước La Hay về tống đạt, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng chỉ ra việc gia nhập Công ước sẽ có lợi ích đối với người dân và doanh nghiệp. Bởi hiện nay, số lượng hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp hàng năm ngày càng tăng (giai đoạn 2012-2014 con số này đã tăng lên đến gần 3000) trong khi chúng ta mới chỉ ký hiệp định/thỏa thuận ủy thác tư pháp với 17 nước. ”Việc gia nhập Công ước La Hay là hướng đi lâu dài, tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường hợp tác cùng lúc với nhiều quốc gia trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh, giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài” – Chủ nhiệm Trần Văn Hằng nói.

Về hiệu quả tống đạt giấy tờ, ông Trần Văn Hằng chỉ ra rằng, thực tiễn thực thi Công ước La Hay của các nước thành viên cho thấy, việc thực hiện tống đạt giấy tờ theo quy định của Công ước đạt kết quả rất cao (trên 90%), trong thời gian ngắn (hầu hết được thực hiện trong vòng 2 tháng). Điều này đáp ứng thời gian tố tụng, góp phần làm giảm chi phí, hỗ trợ tích cực cho hoạt động xét xử của các cơ quan tố tụng trong nước.

Tại phiên họp, các ý kiến cho rằng về bản chất Công ước La Hay là điều ước quốc tế nhân danh nhà nước về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự chứ không phải điều ước quốc tế về quyền con người (theo điểm c khoản 2 Điều 7 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế) mặc dù có một số quy định liên quan đến đảm bảo quyền tố tụng của đương sự nhưng không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Vì vậy, không phải trình ra Quốc hội quyết định việc gia nhập theo quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp 2013 theo quy trình được quy định tại khoản 7 Điều 51 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Do đó, kết thúc phiên họp chiều 13/10, các thành viên UBTVQH đã nhất trí giao Chính phủ trình hồ sơ, thủ tục để trình Chủ tịch nước quyết định gia nhập Công ước La Hay./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam