Dự luật Điều ước quốc tế (sửa đổi): Không điều chỉnh nhiều khoản vay nợ nước ngoài

Dự thảo Luật Điều ước quốc tế (sửa đổi) đề nghị, loại bỏ khỏi phạm vi điều chỉnh việc ký kết và thực hiện các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nhưng không có giá trị ràng buộc pháp lý quốc tế.

 

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Tiếp tục Phiên họp thứ 42, sáng 13/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Luật nào điều chỉnh khoản vay ODA?

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn cho biết, Dự thảo luật gồm 9 chương với 90 điều. Chính phủ cũng đề nghị, đổi tên gọi Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế hiện nay thành Luật Điều ước quốc tế (ĐƯQT).

Trong đó, việc sửa đổi định nghĩa ĐƯQT là điểm mới cơ bản, có tính bao trùm, tác động đến nhiều nội dung trong dự thảo Luật ĐƯQT (sửa đổi). Khái niệm “điều ước quốc tế” được chỉnh sửa phù hợp với quy định của Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969, theo đó ĐƯQT được hiểu là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của luật pháp quốc tế, làm phát sinh, thay đổi quyền, nghĩa vụ của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.

“Như vậy, đối với các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nhưng không có giá trị ràng buộc pháp lý quốc tế thì việc ký kết và thực hiện không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này” – Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn nhấn mạnh.

Quy định trên gây băn khoăn cho các thành viên UBTVQH bởi khoản 4 điều 21 của Luật Quản lý nợ công quy định “Việc ký kết và phê duyệt thỏa thuận khung về vay ODA, thoả thuận vay cụ thể nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế...”

Tán thành dự thảo luật, song Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng lưu ý, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề như ủy quyền, đàm phán, ký lưu trữ, công bố văn bản, hướng xử lý nếu trong quá trình ký kết và thực hiện thỏa thuận vay có quy định trái hoặc khác với pháp luật trong nước. Tương tự, cũng chưa có văn bản quy định cụ thể về quy trình, thủ tục ký kết đối với các thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước không phải là ĐƯQT.

Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông đề nghị, cần cân nhắc loại bỏ các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nhưng không có giá trị ràng buộc pháp lý quốc tế như khoản vay ODA. Nhắc lại khoản 4 điều 21 của Luật Quản lý nợ công, ông thẳng thắn “Vậy vay nước ngoài sẽ thực hiện theo thủ tục nào? Nếu không làm rõ sẽ tạo lỗ hổng, khoảng trống pháp lý lớn khi không có quy định điều chỉnh”.

Đồng tình quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói thêm “cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm tinh thần Hiến pháp, Luật Quản lý nợ công để có quy định hợp lý hơn”.

Cũng về vấn đề này, trong văn bản thẩm định dự thảo luật, Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp cho rằng, việc dự thảo luật chỉ điều chỉnh những văn bản làm phát sinh, thay đổi quyền, nghĩa vụ của Việt Nam theo pháp luật quốc tế được coi là điều ước quốc tế dẫn đến một số văn kiện được ký nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ không được coi là điều ước quốc tế thì không có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Từ đó đề nghị cơ quan soạn thảo có giải trình và đề xuất phương án xử lý trước mắt và lâu dài.

Chốt lại phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu thêm nội dung này.

Lùi thời hạn trình Luật ban hành quyết định hành chính

Cũng trong sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Sau khi nhận được các ý kiến đóng góp về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 10, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến sẽ tiếp thu ý kiến của Chính phủ về việc chưa trình dự án Luật ban hành quyết định hành chính; chưa trình Quốc hội cho ý kiến về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 5 năm 2016-2020. Nội dung này nên được chuẩn bị sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, bổ sung một số nội dung trình Quốc hội: Xem xét, quyết định việc gia nhập Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; xem xét, thông qua Nghị quyết về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; xem xét, thông qua Nghị quyết về Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ.

Mặt khác, bổ sung báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu về một số nội dung: Kết quả đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP); kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; dự án thủy điện Sơn La; dự án thủy điện sông Bung 4 và Thượng Kon Tum; dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn...

Về chương trình kỳ họp, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến sẽ giảm 0,5 ngày thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng; Bố trí sớm hơn việc trình dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; bố trí muộn hơn việc trình dự án Luật đấu giá tài sản; bố trí Quốc hội làm việc thêm một ngày thứ bảy (tổng cộng là 3 ngày thứ bảy) để bảo đảm bế mạc kỳ họp trong tháng 11-2015.

“Như vậy, dự kiến thời gian tiến hành kỳ họp là 32 ngày làm việc, trong đó Quốc hội làm việc 3 ngày thứ bảy và dự kiến bế mạc vào ngày 28/11/2015” – Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Đồng tình với dự kiến chương trình kỳ họp thứ 10, song với đề xuất bổ sung các báo cáo gửi ĐBQH tự nghiên cứu, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng, nên tổng hợp lại thành một báo cáo chứ không nên chia, tách ra làm nhiều báo cáo như đề xuất.

Đối với đề nghị rút thời gian thảo luận ở đoàn xuống ½ ngày, ông đề nghị nên dành 1 ngày để ĐBQH thảo luận thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình.

Với đề xuất gửi các ĐBQH tự nghiên cứu báo cáo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Chính phủ cần thực hiện báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp cuối năm theo đúng Nghị quyết của Quốc hội./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam