|
Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh |
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh ta như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Từ ngày 21-9 đến 2-10, toàn tỉnh ghi nhận 22 ca SXH, nâng tổng số người mắc bệnh từ đầu năm đến nay lên 95 ca, giảm so với cùng kỳ. Bệnh không bùng phát thành dịch như nhiều địa phương khác. Có được kết quả này là nhờ vào sự nỗ lực của ngành Y tế trong thời gian qua đã triển khai thực hiện tốt công tác phòng dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát, cập nhật thông tin, phát hiện kịp thời những ca bệnh mới; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch.
Tuy nhiên, qua điều tra chỉ số về côn trùng, hiện nay, mật độ muỗi tại nhiều địa phương khá cao, có nơi vượt ngưỡng cho phép, điển hình như các phường, xã Đông Hải, Mỹ Hải, Mỹ Đông, Phước Mỹ (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm); Phước Nam, Phước Ninh (Thuận Nam); Phước Dân (Ninh Phước)… Điều này có nghĩa nguy cơ mắc bệnh rất cao nếu không tích cực làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phóng viên: Như vậy, ngành Y tế có biện pháp gì? Đối với người dân cần làm gì để phòng chống bệnh SXH, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế dự phòng đã chỉ đạo cho hệ thống y tế dự phòng các tuyến giám sát chặt chẽ, phát hiện các ca bệnh mới, trên cơ sở đó tiến hành điều tra tình hình dịch tễ, chỉ số côn trùng và tiến hành phun hóa chất tại những nơi có bệnh lưu hành, tránh để bùng phát thành dịch. Đối với một số địa phương có mật độ muỗi cao, vốn là “điểm nóng” của dịch, mặc dù chưa xuất hiện ca bệnh như Đông Hải, Mỹ Hải, Mỹ Đông, Phước Mỹ… vẫn được phun hóa chất để phòng ngừa. Ngành Y tế cũng đã chỉ đạo cho các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng thu dung, nâng cao chất lượng xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, ý thức người dân trong thực hiện tốt công tác phòng ngừa.
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút dengue gây ra, đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc đặc trị. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Loài muỗi này chủ yếu thường trú ở góc tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn… và đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước, các dụng cụ chứa nước sạch, các đồ vật phế thải có chứa nước… Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống muỗi đốt bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; đậy kín hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh như chai lọ, mảnh chai… để muỗi không vào đẻ trứng. Người dân cần đặc biệt lưu ý, muỗi vằn đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối nên cần chú ý mặc quần áo dài, ngủ màn… phòng chống muỗi đốt vào những thời điểm này.
Hiện nay đang là thời điểm bước vào mùa mưa, điều kiện thuận lợi của muỗi vằn sinh sôi, phát triển nên người dân cần càng tích cực, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Trong trường hợp có dấu hiệu của bệnh như sốt cao đột ngột, đau đầu ở vùng trán, sau nhãn cầu… cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị, tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị tại nhà, tránh tình trạng bệnh càng nặng, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!
Uyên Thu (thực hiện)