Làng Chăm Bỉnh Nghĩa vui đón Katê

(NTO) Đến làng Chăm Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) trong những ngày này, chúng tôi đã cảm nhận được sự nhộn nhịp, rộn ràng chuẩn bị đón lễ hội Katê của đồng bào Chăm đã lan tỏa trên khắp đường làng, ngõ xóm. Cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Nhân dân trong xã đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đưa bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Toàn thôn Bỉnh Nghĩa có 676 hộ, với 3.357 khẩu, sống chủ yếu bằng nghề nông. Ông Lương Phẩm, Bí thư chi bộ thôn cho biết: Nhưng năm qua, Nhân dân trong thôn rất vui mừng vì được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của bà con nơi đây. Đời sống của bà con trong thôn ngày càng được nâng lên, số hộ khá, giàu tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 89 hộ.

Dạo một vòng quanh thôn, đâu đâu cũng thấy bà con đang trang trí, dọn dẹp nhà cửa, đường làng, ngõ xóm để đón mừng Katê. Ông Đạo Vách, người dân chia sẻ: Katê là lễ hội lớn của đồng bào Chăm chúng tôi, là dịp để con cháu đoàn tụ bên gia đình, bạn bè gần xa đến thăm, nên bà con trong thôn ai cũng phải chung tay làm bộ mặt thôn xóm sạch đẹp, như vậy đón Katê mới càng thêm ý nghĩa.

 
Đường giao thông thôn Bỉnh Nghĩa được bê tông khang trang.

Toàn thôn hiện có 235 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 180 ha sản xuất 3 vụ lúa chủ động nước tưới từ hệ thống thủy lợi Nha Trinh và 40 ha trồng đậu, hoa màu được tưới từ hệ thống thủy lợi Sông Trâu. Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấy cây trồng, bà con đã đưa các giống lúa mới, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất theo mô hình “1 phải, 5 giảm” cho năng suất đạt trên 7 tạ/sào/vụ. Bên cạnh đó, bà con còn phát triển chăn nuôi các loại gia súc có sừng như: bò, dê, cừu…theo hướng trang trại, với số lượng lớn trên 2.500 con. Nhờ đó, đời sống của bà con ngày được cải thiện. Đến nay, trên 95% hộ dân có nhà ở xây dựng kiên cố; 100% hộ dân sử dụng điện thắp sáng, 95% hộ dân có phương tiện nghe nhìn…

Không chỉ chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, bà con trong thôn luôn phát huy tốt mối đoàn kết nội bộ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương. Đặc biệt, là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sông ở khu dân cư”, bà con đã chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thực hiện nếp sống văn minh, quy ước của thôn, đơn giản hóa việc tang lễ, lễ hội…; đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự; đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, tình cảm gia đình, làng xóm được thắt chặt, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Hàng năm, thôn có trên có trên 95% hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhân dân trong thôn luôn phát huy vai trò chủ thể của mình tích cực tham gia, đóng góp ngày công, tiền xây dựng các tuyến đường nội thôn, kênh mương nội đồng nên bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Ông Lượng Phẩm, cho biết thêm: Để lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và đậm đà bản sắc dân tộc, chúng tôi đã tuyên truyền cho bà con dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm, tổ chức luyện tập văn nghệ, bòng chuyền và các trò chơi dân gian để vui đón Katê.