Anh Phạm Văn Lẹt, thôn Lạc Tân 2, có thâm niên hơn 30 năm trong nghề câu cá biển, cho biết: Để làm nghề này chỉ cần mua loại ghe máy 2 hoặc ghe máy D24 với chiều dài từ 9-10m, đã qua sử dụng có giá khoảng 40 triệu đồng, còn đóng mới thì khoảng 100 triệu đồng.
Nghề câu cá biển ở Phước Diêm.
Mặc dù chi phí đầu tư thấp nhưng nghề này rất vất vả nên hiện nay chỉ có hơn 30 chiếc ghe làm nghề câu cá biển thôi. Anh cho biết thêm, để chuẩn bị một chuyến ra khơi để câu cá biển như cá thu (mùa vụ từ tháng 9, 10, tháng Giêng hàng năm) thì cần những đồ dùng cần thiết cho như: Thức ăn, nước uống, 20-30 lít dầu để chạy máy, máy định vị, các dụng cụ câu như lưỡi lò xo, cước và mồi câu như cá rựa, cá bạt má hoặc cá nhồng tươi cắt lát khoảng 30-35 phân được muối đá bảo quản cho tươi… chi phí hơn 800.000 đồng.
Đối với nghề câu cá biển thì ngư dân bắt đầu câu từ lúc 6 giờ sáng đến 15 giờ chiều, khoảng 18 giờ chạy vào bờ bán cá. Địa điểm câu là nơi có sóng cao khoảng 1,5m, độ sâu nước biển 20-25m đã được định vị tọa độ bằng máy định vị …
Với giá dao động của các loại cá câu, tươi như cá thu 140.000-180.000 đồng/kg, cá bóp 120.000-160.000 đồng/kg, cá gáy 90.000-120.000 đồng/kg, cá mú đen 170.000-190.000 đồng/kg; mú bịp 230.000-250.000 đồng/kg; mú đỏ 350.000-380.000 đồng/kg thì sau 1 ngày ra khơi ngư dân cũng kiếm được vài triệu đồng. Tuy nhiên, do đặc thù của từng loại cá biển có sản lượng theo mùa nên thu nhập của ngư dân theo nghề này cũng khá bấp bênh.
Văn Nỷ