Phát triển nông nghiệp bền vững từ thúc đẩy sinh kế

Thúc đẩy sinh kế cho các hộ nông dân nghèo là một trong những giải pháp tạo tiền để để phát triển nông nghiệp bền vững.

Một trong những dự án đang được triển khai theo tư duy nêu trên là Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên đoàn Quốc tế hành động chống đói nghèo và bất công (ActionAid) triển khai tại 23 tỉnh, thành phố của Việt Nam, như ở các địa phương Cao bằng, Sơn La, Lạng Sơn, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, TPHCM...

Ảnh minh họa.

Được triển khai từ năm 1989 bắt đầu từ tỉnh Sơn La, ActionAid Việt Nam (AAV) nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân bằng việc thúc đẩy sinh kế hay còn gọi tạo công việc cho các hộ nông dân để phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Chương trình đã trợ giúp cho hơn 300.000 hộ gia đình thoát nghèo, đồng thời tạo tiền đề để nhiều hộ gia đình vươn lên thành hộ khá. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã có các mục tiêu mang tính xã hội như ứng phó với tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu và các vấn đề về quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em tại khu vực nông thôn.

Từ sinh kế đến làm giàu

Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch xã Hiệp Mỹ Đông (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, một trong những xã thuộc chương trình) cho biết, trước đây xã có rất nhiều hộ nghèo vì không chỉ thiếu đất mà ngay những hộ có đất cũng chẳng biết làm gì để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi AVV hỗ trợ, có tới 82,5% hộ nghèo tham dự tập huấn đã được trang trị kiến thức về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng cách; biết cách tính toán làm ăn. Những giải pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật do chương trình tập huấn, bà con đều áp dụng được và hầu hết đều thành công. Cụ thể, các mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, trồng rau màu đã đem lại năng suất cao giúp bà con thoát nghèo và có nhiều hộ vươn lên thành hộ khá.

Không chỉ thoát nghèo, có nhiều hộ sau khi được hỗ trợ của dự án về sinh kế, về nâng cao năng lực cho người nông dân đã vươn lên trở thành những hộ khá giả và đang từng bước phát triển sản xuất với quy mô lớn.

Gia đình bà Võ Thị Yến, xã Hiệp Mỹ Tây (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) là một điển hình. Từ năm 2008, gia đình bà Yến đã được AVV cho vay 3 triệu đồng để trồng rau cần; năm 2009 được vay 21 triệu đồng để nuôi gà, nuôi bò theo phương pháp mới. Sau 3 năm gia đình bà không chỉ trả được vốn vay mà tính đến nay, thu nhập trung bình hàng năm của gia đình bà Yến đã đạt 80-90 triệu đồng. Hiện tại, bà Yến đang cùng gia đình phát triển đàn bò và đàn gà với mức đầu tư hàng trăm triệu đồng.

Tiền đề cho chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp

Theo bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện AAV tại Việt Nam, lâu nay thói quen canh tác cũng như phát triển kinh tế của người nông dân chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi dựa trên kinh nghiệm truyền thống, tức là có gì nuôi nấy, có gì trồng nấy mà hầu như chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình canh tác. Chính vì vậy, sản phẩm làm ra không chỉ có giá trị thấp mà nhiều khi ế thừa do không đạt tiêu chuẩn của nhà thu mua.

Chương trình của AAV sẽ giúp bà con tập huấn và làm quen với phương thức sản xuất mới, thay đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường, từ đó từng bước góp phần chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đơn cử, ở 4 xã triển khai dự án của tỉnh Trà Vinh, AVV hướng dẫn để bà con chọn giống lúa ST5 chất lượng gạo ngon hơn, năng suất bình quân đạt cao hơn 2 giống truyền thống là giống Cửu Long và lúa Trắng Tét từ 0,5-08-,8 tấn/ha, được được thị trường ưa chuộng và giá thành bán cũng cao hơn từ 2.000 - 2.500 đồng/kg.

Do vậy, sau khi trừ chi phí sản xuất bà con có lãi từ 12,5-15 đồng/ha, gấp 2 lần sản xuất giống lúa địa phương.

Đánh giá dự án mà AAV đang triển khai tại Trà Vinh, ông Diệp Văn Thạnh, Chủ tịch UBND TP. Trà Vinh cho rằng, chương trình đã tập huấn kỹ thuật nông nghiệp và quyền tiếp cận đất đai cho người nông dân. Qua đó, họ được mở mang kiến thức về chuỗi giá trị và kỹ năng lập kế hoạch sản xuất theo hướng tiếp cận thị trường. Cách phân tích chuỗi giá trị trong sản xuất và xây dựng được kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường; tăng lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất; kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng cách…

Từ đó thay đổi tư duy về sản xuất của người nông dân theo hướng tiếp cận thị trường, góp phần giúp các địa phương đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu trong ngành nông nghiệp để phát triển nông nghiệp bền vững.

Nguồn www.chinhphu.vn