Ngay từ đầu nhiệm kỳ, để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Từ năm 2011 đến nay, bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, tổng nguồn vốn huy động cho công tác này lên tới 5.879,6 tỷ đồng. Hàng loạt chương trình, dự án đầu tư như phát triển hạ tầng, cho vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và chuyển giao khoa học-kỹ thuật… đã giúp cho nhiều hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế. Đã cấp 625.529 thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, với kinh phí hơn 400 tỷ đồng; vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo đạt gần 1.340 tỷ đồng; miễn, giảm 57,15 tỷ đồng tiền học phí cho học sinh, sinh viên nghèo; hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho 7.406 hộ; hỗ trợ trực tiếp tiền điện cho 71.536 hộ nghèo, với 27,7 tỷ đồng. Tổ chức cứu trợ 11.376 tấn gạo cho 183.985 hộ/684.713 khẩu là các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ có đất sản xuất nông nghiệp nhưng bị thiệt hại do hạn hán gây ra… Bằng những việc làm thiết thực của các cấp, các ngành đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đối tượng nghèo.
Nông dân xã Phước Đại (Bác Ái) chăm sóc rau theo tiêu chuẩn rau an toàn.
Tại huyện Bác Ái, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, tổng nguồn vốn phân bổ gần 497 tỷ đồng, đã thực hiện giải ngân đạt trên 82% kế hoạch. Nhờ nguồn lực đầu tư, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn dưới 25% (năm 2015), bình quân mỗi năm giảm 8,2%. Ông Chamaléa Hào, thôn Suối Khô, xã Phước Chính, cho biết: Trước đây, gia đình ông trồng giống bắp, lúa địa phương năng suất thấp, chỉ đủ ăn. Từ năm 2011 đến nay, được Nhà nước hỗ trợ giống ngô lai, phân bón, vay vốn ưu đãi để chăn nuôi, lại được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách chăm sóc, nên gia đình đã có bắp, lúa, gia súc để bán; đã thoát nghèo từ năm 2012.
Đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho rằng: Điểm được lớn nhất là nhiều hộ dân trong huyện đã thay đổi tư duy sản xuất từ tự cung, tự cấp, sang sản xuất hàng hóa. Các hộ dân đã tự giác trong chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, được thị trường chấp nhận để đẩy mạnh sản xuất, là điều kiện cơ bản để công tác giảm nghèo trên địa bàn đạt kết quả tốt và có tính bền vững.
Tìm hiểu tại các huyện Thuận Bắc, Ninh Sơn, Thuận Nam… chúng tôi nhận thấy những nỗ lực và kết quả giảm nghèo tại những địa phương này là rất đáng trân trọng. Đạt được kết quả trên, theo đồng chí Đặng Thị Phấn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH là do chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển KT-XH, công tác xóa đói, giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống và được Nhân dân đồng thuận cao. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm và chỉ đạo các cấp, các ngành xác định lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, những tiềm năng, thế mạnh để quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Ủy ban MTTQVN tỉnh, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đã phát động nhiều phong trào thiết thực như phong trào thanh niên lập nghiệp, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, nông dân sản xuất giỏi, cuộc vận động Ngày vì người nghèo... Trong khi đó, các tổ chức kinh tế trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia ủng hộ nguồn lực cho chương trình, qua đó góp phần đem lại kết quả cao trong công tác giảm nghèo... Tuy nhiên, hạn chế trong công tác giảm nghèo ở tỉnh ta đó là tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng thiếu bền vững, chỉ cần một biến cố trong cuộc sống như ốm đau, rủi ro, thiên tai, lũ lụt... thì số hộ thoát nghèo lại có khả năng tái nghèo.
Bước sang giai đoạn 2015-2020, với nhiều vận hội mới, không khí mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự nỗ lực phấn đấu của Nhân dân, tỉnh ta đã đề ra quyết tâm cao trong định hướng phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm, xấp xỉ bằng bình quân cả nước. Để thực hiện được mục tiêu này, theo đồng chí Đặng Thị Phấn, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng tâm, đồng lòng của toàn xã hội, huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo.
Xuân Bính