Ngoài việc vận động người dân đào ao, khoan giếng, sử dụng mô hình tưới nước tiết kiệm... xã An Hải còn chú trọng tới việc đưa các loại giống cây trồng phù hợp vào sản xuất. Trong đó, nổi bật hơn cả trong mô hình trồng cây đậu phộng, giống cây trồng ngắn ngày, ít vốn, dễ trồng, ít sâu bệnh lại không tốn nhiều nước... mang lại thu nhập ổn định cho nông dân trong xã.
Nông dân An Hải trồng đậu phộng kết hợp sử dụng tưới nước tiết kiệm
mang lại thu nhập trong mùa hạn.
Chúng tôi về thôn Tuấn Tú, nơi có diện tích trồng đậu phộng nhiều nhất xã, dọc hai bên đường là một màu xanh của cây đậu phộng đang dần thay thế cho những vùng đất cát bạc màu. Đồng chí Bùi Thế Ly, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải, cho biết: Ngay từ đầu mùa hạn, địa phương đã chủ động tuyên truyền, vận động bà con tận dụng nguồn nước ngầm đưa các loại cây màu có khả năng chịu hạn cao như bí đao, cà rốt, hành lá; trong đó, cây đậu phộng được mở rộng diện tích liên tục trong nhiều vụ. Đến nay, đã có gần 100 hộ trồng với hơn 24ha (tăng 7ha so với năm 2014), hầu hết đều phát triển tốt. Ông Châu Văn Bá, thôn Tuấn Tú, chia sẻ: Trước đây, trên 5 sào đất, gia đình đầu tư trồng nhiều loại cây khác nhau, nhưng do thuộc vùng đất cát, lại không chủ động được nguồn nước tưới trong mùa hạn nên đa số các loại cây trồng đều không thuận lợi, thu nhập thấp. Giữa năm 2014, nhận thấy mô hình trồng đậu phộng ở các hộ lân cận đang mang lại hiệu quả, nên mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích sang trồng giống cây này, kết hợp sử dụng mô hình tưới nước tiết kiệm. Sau 3 tháng, mỗi sào đậu phộng cũng cho thu hoạch trên 5 tạ, với giá bán 15 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất tôi vẫn còn lãi hơn 20 triệu đồng, mà đất lại không bị bỏ hoang...
Trong tình hình nắng hạn có thể còn kéo dài, việc trồng các loại cây có khả năng chịu hạn như cây đậu phộng là một trong những giải pháp chống hạn thực sự hiệu quả, bởi không chỉ tiết kiệm đáng kể nguồn nước tưới, thân cây được tận dụng làm thức ăn cho gia súc, mà còn mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, hiện nay, đa số người dân chủ yếu trồng theo kinh nghiệm nên chưa phát huy được hết giá trị cây trồng. Để mô hình ngày càng được nhiều nông dân áp dụng, thiết nghĩ, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần quan tâm về chất lượng nguồn giống, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, cách chăm sóc... để bà con nông dân yên tâm hơn trong phát triển kinh tế.
Hồng Lâm