Điểm mới trong sản xuất vụ hè-thu 2015 là tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây chịu hạn để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt. Thực hiện chủ trương của tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo công tác chuyển đổi 340ha đất lúa không chủ động nước sang trồng bắp, đậu xanh, rau màu, đạt hiệu quả kinh tế cao. Theo báo cáo kết quả của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lợi nhuận từ trồng 1ha bắp trên đất lúa là 21 triệu đồng đã chứng minh chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây chịu hạn là đúng đắn, phù hợp với điều kiện khí hậu khô hạn của tỉnh ta.
Nông dân thôn Ba Tháp (xã Bắc Phong, Thuận Bắc)
chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp lai vụ hè - thu đạt năng suất cao.
Nhìn toàn diện, hoạt động sản xuất vụ hè-thu có sự dịch chuyển theo hướng mở rộng diện tích cây màu, thu hẹp dần diện tích lúa, qua đó xuất hiện thêm những mô hình mới. Từ thực hiện thành công chuyển đổi 130ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây chịu hạn như bắp, đậu xanh, đậu phộng, sản xuất nông nghiệp ở huyện Thuận Bắc đã hình thành các mô hình luân canh, xen canh hợp lý, theo công thức “2 vụ lúa-1 vụ bắp”, “1 vụ lúa-1 vụ bắp-1 vụ xanh” cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm. Tại xã Bắc Phong, sau hơn 3 tháng trồng thử nghiệm bắp lai ở xứ đồng Cây Me, Huyện Đội đã khẳng định khả năng thích nghi của loại cây trồng này trên vùng đất lúa bởi năng suất vượt trội, bình quân đạt 7 tấn/ha. Cầm những trái bắp vàng ruộm căng tròn, nông dân Nguyễn Thiện ở thôn Ba Tháp, phấn khởi: Vùng đất này trước đây trồng lúa không chủ động nước tưới, sản xuất trầy trật, vụ được, vụ mất. Nhờ Nhà nước hỗ trợ giống, vụ này tôi mạnh dạn trồng 1ha bắp lai, qua theo dõi thấy phát triển tốt, chi phí đầu thấp hơn lúa, nên thu lãi cao hơn. Đặc biệt, nhờ bà con đồng loạt chuyển qua trồng bắp trên quy mô lớn nên thuận tiện áp dụng cơ giới vào sản xuất. Vào đầu vụ, các hộ hợp đồng thuê máy phay đất, kéo hàng, đồng loạt xuống giống, đến khi thu hoạch cũng sử dụng máy móc, trồng bắp nhàn nhã hơn nhiều so với lúa. Các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam… cũng đưa giống bắp chịu hạn, chất lượng cao vào thay thế các vùng sản xuất lúa kém hiệu quả đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy nhanh chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong điều kiện thời tiết nắng hạn kéo dài.
Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: Chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả triển khai trong vụ hè-thu đạt được kết quả ban đầu, tạo cơ sở để tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện trong vụ mùa ở quy mô lớn hơn. Theo kế hoạch, trong vụ mùa toàn tỉnh chuyển 840ha đất lúa sang trồng các loại cây chịu hạn. Để công tác chuyển đổi đạt kết quả, có một số kinh nghiệm rút ra từ cách làm của huyện Thuận Bắc, các địa phương nên tham khảo. Theo đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, cái khó nhất trong thực hiện chuyển đổi là “khai thông” tư tưởng nông dân. Tâm lý chung của bà con là “kiên định” với cây lúa. Mặc dù trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp hơn so với một số cây trồng khác, nhưng các hộ không muốn thay đổi vì sợ rủi ro, đầu ra không ổn định. Thực tế này thể hiện ở chỗ, vào mùa khô hạn, nhiều vùng đất trồng lúa bị bỏ hoang. Và để tổ chức sản xuất ở những khu vực này, nhất thiết phải có sự “vào cuộc” của ngành chức năng, chính quyền địa phương. Trước khi thực hiện chuyển đổi, huyện Thuận Bắc làm tốt công tác chuẩn bị, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ bà con nông dân như thành lập các tổ, nhóm “dồn điền” sản xuất trên quy mô lớn tạo thuận lợi cho việc áp dụng khoa học-kỹ thuật. Với hình thức sản xuất mang tính cộng đồng cao đã có tác dụng tạo được niềm tin vững chắc để bà con an tâm chuyển đổi.
Ghi nhận của chúng tôi, sau khi thực hiện các mô hình thí điểm trong vụ hè-thu có hiệu quả, nông dân đã tiếp thu được kỹ thuật canh tác các loại cây trồng chịu hạn và có chung quyết tâm tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất của bà con là chưa tìm được đầu ra ổn định, nếu khắc phục yếu điểm này, công tác chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa trong vụ mùa sẽ đạt kết quả cao hơn. Nông dân Nguyễn Văn Lập chia sẻ: 34ha bắp của bà con thôn Ba Tháp (xã Bắc Phong) thu hoạch đợt này được khoảng 238 tấn, tạo ra mặt hàng nông sản khá lớn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Nhưng đến nay, bắp đã đóng gọn trong bao vẫn không có doanh nghiệp nào thu mua, bà con phải bán cho thương lái với giá bắp hạt tươi tại ruộng 3.500 đồng/kg, bắp hạt khô 5.200 đồng/kg. Nếu có doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá nhích lên 5.500 đồng/kg thì trồng bắp “ngon ăn” hơn lúa nhiều, lúc đó không cần vận động nông dân cũng đồng loạt chuyển đổi.
Anh Tùng