Nếu so với tháng 12 năm trước, CPI tháng 9 chỉ tăng 0,4%. Tính bình quân 9 tháng năm nay, CPI cũng chỉ tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước.
Đây cũng là mức tăng thấp nhất của CPI tháng 9 trong 10 năm gần đây.
Nguyên nhân giá tiêu dùng vẫn giảm tiếp chủ yếu là do 4/11 nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn có chỉ số giá giảm mạnh, đó là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông; bưu chính viễn thông.
Trong đó, nhóm giao thông giảm mạnh nhất với mức 3,17% so với tháng trước do giá xăng giảm 2 lần vào các ngày 19/8 và 3/9.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm mạnh cũng do giá gas giảm liên tiếp 4 tháng qua với tổng mức giảm là 37.500 đồng/bình 12 kg và chi phí giá điện sinh hoạt giảm 0,32%.
Nguồn cung hàng hoá dồi dào nên lương thực, thực phẩm cũng giảm 0,14%. Nhóm bưu chính viễn thông giảm nhẹ ở mức 0,07%.
Do nhiều mặt hàng, trong đó có mặt hàng chính giảm giá mạnh, nên dù 7/11 nhóm hàng hoá còn lại tăng, nhưng CPI vẫn âm.
Nhóm giáo dục tăng mạnh nhất với mức tăng 1,24% do cả nước có 25 tỉnh, thành phố tăng học phí. Bên cạnh đó, chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng.
Các nhóm hàng tăng giá trong tháng 9 là đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế tăng; giáo dục; văn hóa giải trí và du lịch...
Không tính vào chỉ số CPI, chỉ số giá vàng tăng 3,54% và chỉ số USD tăng 2,71% do biến động theo giá cả thế giới.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào, thị trường cạnh tranh cao khiến CPI giảm
Cùng với đó, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định, một số mặt hàng có xu hướng giảm mạnh như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép… nên chỉ số giá nhập khẩu 9 tháng qua so cùng kỳ năm trước đã giảm 4,5%. Chỉ số giá xuất khẩu giảm 3,86% và chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng giảm 0,74%.
|
Ông Nguyễn Bích Lâm. |
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, nguyên nhân lớn nhất khiến cho CPI 9 tháng năm 2015 có tốc độ tăng thuộc loại thấp nhất kể từ năm 2001 lại đây là do nguồn cung lương thực thực phẩm dồi dào, thị trường cạnh tranh cao.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, công tác quản lý giá, kiểm soát lạm phát của các cơ quan chức năng cũng khiến cho thị trường ổn định hơn.Khi CPI giữ ở mức thấp và ổn định sẽ tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ các chi phí theo giá thị trường.
Ngành công thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết.
Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, còn có yếu tố tâm lý, chi tiêu của người dân được tính toán kỹ hơn, cân nhắc hơn, do đó, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, hay các ngày lễ hội như những năm trước đây.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết chỉ số lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 9/2015 tăng 0,06% so với tháng trước, tăng 1,87% so với cùng kỳ; 9 tháng năm 2015 so cùng kỳ tăng 2,15%.
Từ năm 2012 đến nay, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tổng phương tiện thanh toán (M2) vẫn giữ tốc độ tăng, nhưng ở mức hợp lý hơn giai đoạn trước,… nhờ vậy chỉ số lạm phát cơ bản có xu hướng giảm dần và ổn định. 9 tháng qua lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,15% so cùng kỳ.
Hiện tại, lạm phát chung thấp hơn lạm phát cơ bản. Điều này không phải do tổng cầu giảm, mà hoàn toàn do yếu tố chi phí đẩy giảm, đó là giá hàng hóa năng lượng và thực phẩm giảm.
Biến động của lạm phát chung phụ thuộc vào diễn biến giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng Nhà nước quản lý, chứ không xuất phát từ lạm phát cơ bản.
Chính sách tiền tệ được điều hành theo lạm phát cơ bản và lạm phát cơ bản ở mức 2-3% như hiện này là mức cân bằng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Nguồn www.chinhphu.vn