Hào khí Cách mạng Tháng Tám qua lời kể của những nhân chứng

(NTO) Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Với những người may mắn được sống trong những ngày tháng lịch sử hào hùng ấy, mọi ký ức dường như vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày hôm nay.

Ông Nguyễn Bảo Nguyên.

Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Bảo Nguyên, khu phố 2, phường Mỹ Hương, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Năm nay đã bước sang tuổi 87, với 68 năm tuổi Đảng, ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, thế nhưng khi nhắc đến những ngày Tháng Tám lịch sử năm 1945, đôi mắt của ông lại sáng lên niềm tự hào của người dân lần đầu tiên được làm chủ cuộc sống của mình.

Sinh năm 1928 trong gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn An Thạnh (xã An Hải, huyện Ninh Phước), ông Nguyễn Bảo Nguyên sớm được giác ngộ cách mạng. Lúc ấy, ông 17 tuổi, khi khởi nghĩa giành chính quyền cấp tỉnh về tay Nhân dân trong các ngày 21 và 22-8-1945, khi nghe đại biểu Mặt trận Việt Minh đọc lệnh khởi nghĩa, ông cùng mọi người trên sân vận động đồng thanh hô vang “Việt Minh muôn năm!”, “Ðả đảo phát-xít Nhật!”, “Chính quyền về tay Nhân dân!”.  Sau đó ông tham gia cùng đoàn người bừng bừng khí thế, ngược về các tổng, huyện giành chính quyền về tay Nhân dân ở An Phước, Phú Quý... Trước sức mạnh như vũ bão của Nhân dân, bọn chánh tổng, các ban lý, hương tại các xã cúi người nộp ấn tín cho cách mạng. Ánh mắt đầy xúc động, ông chia sẻ: “Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh lực lượng khởi nghĩa và Nhân dân ôm chầm lấy nhau trong nước mắt, niềm vui không nói nên lời khi quê hương giành thắng lợi. Tinh thần lúc đó sướng lắm, kết thúc 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ”.

Ông Nguyễn Công Uẩn.

Còn trong ký ức của người CCB Nguyễn Công Uẩn, 83 tuổi đời, 47 năm tuổi Đảng, cư ngụ ở khu phố 1, phường Mỹ Hương, chứng kiến quê hương ngày càng đổi mới, ông càng tự hào. Ông sinh năm 1932, ở thôn An Xuân (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải). Ông còn nhớ như in những ngày khởi nghĩa, những người nông dân, tiểu thương hay trí thức, đồng bào Kinh, Chăm ở quê ông… dù thiếu cơm ăn, áo mặc nhưng khi nghe tin cán bộ về vận động Nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, họ hào hứng lắm. Từ đêm 20-8 cho đến ngày 22-8-1945, từ các xóm, Nhân dân đốt đuốc sáng rực, cùng cán bộ Việt Minh hát vang những bài ca cách mạng, hừng hực khí thế tiến lên giành chính quyền về tay Nhân dân. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, bọn tay sai chính quyền thực dân ở trong thôn, xã đã hoảng sợ tự động đem lương thực, thực phẩm, ấn triện giao nộp cho Việt Minh. Khỏi phải nói, lần đầu tiên người dân thấy được quyền làm chủ của mình, được thông báo, được tham gia ý kiến vào các hoạt động của chính quyền nên ai cũng hăng hái tham gia ủng hộ tuần lễ Vàng, bình dân học vụ, các hoạt động bài trừ mê tín dị đoan và tham gia vào các đoàn thể xã hội. 

Ông Nguyên, ông Uẩn, tâm sự: Cuộc Tổng khởi nghĩa giành được chính quyền thắng lợi trong cả nước ngày 19-8-1945 đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi vận mệnh của đất nước và dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi vẫn thường giáo dục các con, cháu phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của cha ông, ra sức học tập, lao động đóng góp xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước.

Mong muốn của ông Nguyên, ông Uẩn cũng là tâm nguyện của các thế hệ cha ông, những người đã hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc. Tiếp nối truyền thống hào hùng của cha anh, viết tiếp những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam, thế hệ trẻ Ninh Thuận hôm nay đang ra sức học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện đạo đức để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.