Tri Hải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra

(NTO) Tri Hải (Ninh Hải) là xã đồng bằng ven biển có tổng diện tích tự nhiên trên 2.708ha, với dân số khoảng 10.500 người cư trú tại 5 thôn. Do điều kiện, vị trí địa lý tương thích, kinh tế biển được xác định là kinh tế chủ lực của xã với các ngành như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối và các dịch vụ khác.

Với tiềm năng, lợi thế trên, Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ xã Tri Hải nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra mục tiêu tập trung phát triển kinh tế biển, trọng tâm là sản xuất muối và khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản.

Ngư dân Khánh Hội chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi.
Ảnh: Bạch Thương

Để phù hợp xu hướng phát triển chung của huyện Ninh Hải, Đảng bộ xã Tri Hải đã đề ra chương trình hành động, chú trọng lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tương xứng theo mục tiêu “Tập trung phát triển tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, trọng tâm là kinh tế du lịch, công nghiệp chế biến và dịch vụ” mà NQ Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Hải nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Sớm đưa NQ Đại hội Đảng bộ xã vào cuộc sống, Tri Hải cũng đồng thời cụ thể hóa NQ Đại hội Đảng bộ huyện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: Nông nghiệp (chiếm 75%, trong đó 40% là diêm nghiệp, 25% là ngư nghiệp và trồng trọt, chăn nuôi 10%); tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ (25%). Đồng chí Nguyễn Thanh Hiền, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, cho biết: “Căn cứ vào thực tế và tiềm năng, lợi thế địa phương, sau khi quán triệt NQ Đại hội Đảng bộ 2 cấp huyện, xã, các chi bộ thôn tiếp tục cụ thể hóa các NQ để tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân”.

Khí thế mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo NQ Đại hội thấy rõ trước hết trong sản xuất muối. Nếu trong nhiệm kỳ qua, diện tích đồng muối đã tăng từ 119ha (sản lượng 43.000 tấn/năm) lên 310ha với sản lượng 55.000 tấn/năm, thì chỉ từ đầu năm đến nay, diện tích sản xuất muối đã là 358ha với sản lượng 57.000 tấn (vượt 3,6% chỉ tiêu và tăng 400 tấn so với cùng kỳ năm ngoái). Ở các thôn chuyên làm muối như Khánh Tường, Tri Thủy 2 đã tiếp tục củng cố các tổ hợp tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần đưa diện tích đất nông nghiệp thiếu nguồn nước đã được quy hoạch làm muối vào canh tác muối. Đồng chí Đặng Văn Hoàng, Bí thư Chi bộ thôn Khánh Tường, chia sẻ: “Phấn khởi trước kết quả Đại hội Đảng bộ huyện và xã, chi bộ đang vận động diêm dân phát triển sản xuất, nhất là phát huy tác dụng các tổ vần đổi công và các mô hình hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất muối nhằm nâng thu nhập cho người làm muối”.

Đối với hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản của địa phương, tập trung chủ yếu ở thôn Khánh Hội, cũng đã có bước phát triển mới. Năng lực tàu thuyền đầu năm có 97 chiếc/13.248 CV (bình quân 136,5 CV/chiếc, tăng 16 chiếc/6.122CV so với năm 2010), hiện tại tuy đã giảm 3 chiếc nhưng lại nâng tổng công suất lên 14.207 CV (tăng 959 CV), điều này cho thấy các tàu thuyền công suất lớn đang tăng dần. Theo đồng chí Lê Văn Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ huyện và xã, UBND xã đã cụ thể hóa thành kế hoạch hàng năm, cùng với Chi bộ thôn Khánh Hội vận động ngư dân đầu tư cải hoán thuyền nghề công suất lớn, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào đánh bắt, củng cố 7 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển. Trong nuôi trồng thủy sản đã vận động người dân thực hiện chuyển đổi từ nuôi tôm trong các ao nuôi kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại hải sản khác có giá trị kinh tế cao như rong sụn, cá mú, ghẹ, ốc hương.

Ngoài tiềm năng về nguồn nguyên liệu muối, hải sản, đáng chú ý trong bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế là Tri Hải còn có diện tích đất đai khá lớn, thuận lợi cho việc lập các nhà máy, cơ sở chế biến muối và hải sản của huyện; đồng thời có thể phát triển dịch vụ phục vụ du lịch, làm vệ tinh cho trung tâm du lịch của huyện là thị trấn Khánh Hải. Trên địa bàn xã hiện có các dự án đã được các cấp chấp thuận đầu tư triển khai như: Cụm công nghiệp Tri Hải, nâng cấp cảng cá Ninh Chử thành cảng hàng hoá; Dự án cải tạo đầm Nại; tổng kho xăng dầu… Các dự án trên cùng với lợi thế có tuyến đường ven biển và Tỉnh lộ 702 đi qua, sẽ là nhân tố thu hút các nhà đầu tư và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương theo hướng phát triển kinh tế biển trong những năm tới.

Với việc xác định phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển của huyện Ninh Hải, là một trong những vệ tinh, Tri Hải đang từng bước khai thác lợi thế về lĩnh vực sản xuất muối, đánh bắt hải sản, chuẩn bị các điều kiện để phát triển công nghiệp chế biến của huyện, củng cố vị thế vững chắc của xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với tuyên truyền, vận động và lãnh đạo nhân dân địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo NQ Đại hội đề ra, trước mắt Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ năm 2015, tạo bứt phá ngay từ năm đầu thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ 2 cấp huyện, xã.