Phạt nặng hành vi kết hôn với người cùng dòng máu trực hệ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trong đó, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ.
Phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Nghị định có hiệu lực từ 1/10/2015.
Nhân sự mới 5 tỉnh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký các Quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung và miễn nhiệm nhân sự UBND 5 tỉnh: Nghệ An, Quảng Trị, Bạc Liêu, Quảng Ninh, Trà Vinh.
Cụ thể, Thủ tướng đã ký Quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.
Thủ tướng cũng ký Quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Xuân Lâm, nguyên Giám đốc Công an tỉnh, để nhận nhiệm vụ mới.
Đồng thời, Thủ tướng ký Quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Hoài Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị.
Thủ tướng cũng ký Quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Hồ Thanh Tự, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, để nhận nhiệm vụ mới.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, Thủ tướng ký Quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trần Văn Tài, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu và ông Trịnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu.
Thủ tướng ký Quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Hồ Khải Hoàng, nguyên chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu và ông Huỳnh Minh Hội, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu để nghỉ hưu theo chế độ.
Cùng ngày, Thủ tướng ký Quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Chí Thực, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, để nghỉ hưu theo chế độ.
Thủ tướng cũng ký Quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Lê Thanh Đấu, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh, để nghỉ hưu theo chế độ.
Công điện giải quyết vướng mắc đền bù GPMB 2 dự án điện
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc giải quyết vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng Đường dây 220kV Phan Thiết - Phú Mỹ 2 và Trạm biến áp 220kV Vũng Tàu.
Để huy động hiệu quả công suất của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo các Sở, ban ngành và các cấp chính quyền địa phương có liên quan khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc về khảo sát, thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường; phê duyệt chính sách hỗ trợ đất nông nghiệp trong hành lang an toàn và phương án bồi thường của các dự án Đường dây 220kV Phan Thiết – Phú Mỹ 2 và Trạm biến áp 220kV Vũng Tàu, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng của các Dự án cho chủ đầu tư trước ngày 30 tháng 9 năm 2015.
2. Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị có liên quan của Tập đoàn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, khẩn trương thi công, để sớm hoàn thành đóng điện công trình đường dây và trạm biến áp nêu trên trong thời gian sớm nhất, bảo đảm cung cấp điện cho các phụ tải điện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Khẩn trương GPMB các dự án mở rộng QL1 tại Quảng Ngãi
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án mở rộng quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến nay công tác giải phóng mặt bằng tại một số vị trí trên địa phận tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc, chưa hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Nhà đầu tư dự án; đồng thời tại một số vị trí, người dân vẫn cản trở đơn vị thi công thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến tiến độ của toàn dự án mở rộng Quốc lộ 1. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý dứt điểm và bàn giao mặt bằng thi công cho Chủ đầu tư, Nhà đầu tư trước ngày 25/8/2015; đồng thời tổ chức lực lượng bảo vệ thi công.
2. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư, Nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công; đồng thời yêu cầu các nhà thầu khẩn trương thi công đảm bảo tiến độ dự án.
Các dự án ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 34/2015/QĐ-TTg ban hành Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ.
Theo đó, Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh của Chính phủ theo Quyết định số 34/2015/QĐ-TTg gồm:
1- Dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án trong lĩnh vực năng lượng, khai thác, chế biến khoáng sản hoặc sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ xuất khẩu phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đáp ứng các tiêu chí: Là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công và thuộc lĩnh vực, địa bàn được Nhà nước khuyến khích đầu tư theo Luật đầu tư.
2- Chương trình, dự án trong lĩnh vực năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản thuộc nhóm A theo Luật Đầu tư công gồm Đầu tư hạ tầng điện lực, đầu tư xây dựng mới nhà máy điện, phân phối điện, truyền tải điện; đầu tư nhà máy lọc dầu.
3- Chương trình, dự án thuộc lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích đầu tư gồm Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (đường cao tốc) có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên; Phát triển vận tải công cộng (Đầu tư mua máy bay theo chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
4- Các dự án đặc biệt do Chính phủ quyết định.
Quyết định trên nêu rõ, đối với những chương trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh trước ngày Quyết định có hiệu lực (ngày 30/9/2015) thì tiếp tục thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày Quyết định có hiệu lực.
Quyết định số 34/2015/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 44/2011/QĐ-TTg ngày 18/8/2011.
Lập Hội đồng xét tặng Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể
Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Nhất - năm 2015 (Hội đồng).
Hội đồng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét, lựa chọn những cá nhân có đủ tiêu chuẩn, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Nhất - năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh làm Chủ tịch Hội đồng.
Phó Chủ tịch Hội đồng gồm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên (Phó Chủ tịch thường trực); Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà.
Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc, các phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất 75% số thành viên của Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng.
Các cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu phải đạt ít nhất 90% số phiếu đồng ý của tổng số các thành viên Hội đồng. Trường hợp thành viên Hội đồng vắng mặt, Ban Thư ký có trách nhiệm lấy phiếu bầu theo quy định.
Sau khi tổng hợp kết quả xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và tiếp thu ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng (nếu có), Hội đồng trình hồ sơ đến Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước quyết định (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương).
Lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” lần thứ 8 - năm 2015 (Hội đồng).
Hội đồng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét, lựa chọn những cá nhân có đủ tiêu chuẩn, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” lần thứ 8 - năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh làm Chủ tịch Hội đồng.
Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải (Phó Chủ tịch thường trực); Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Vương Văn Đỉnh.
Theo nguyên tắc, các cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu phải được ít nhất 90% số phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng.
Căn cứ kết luận, kiến nghị của các Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và tiêu chuẩn đối với từng danh hiệu, Hội đồng tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín đối với từng nghệ sĩ được đề nghị, lập Danh sách các nghệ sĩ được đề nghị tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” theo từng lĩnh vực và thông báo công khai Danh sách này trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ khi có kết quả xét tặng của Hội đồng.
Rà soát các công trình tái định cư thủy điện Sơn La cần sửa chữa
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc rà soát các công trình bị hư hỏng cần sửa chữa khắc phục thuộc Dự án di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Sơn La rà soát để xác định danh mục công trình hư hỏng, xuống cấp cần đầu tư sửa chữa, nâng cấp thuộc Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Sơn La, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La để giám sát trước khi triển khai thực hiện; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc xác định danh mục và nguyên nhân các công trình bị hư hỏng cần sửa chữa, nâng cấp.
Đồng thời đề xuất biện pháp xử lý đối với những tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng đối với công trình bị hư hỏng, xuống cấp do nguyên nhân chủ quan gây ra (nếu có).
Về nguồn vốn, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tỉnh Sơn La sử dụng vốn đã giao cho UBND tỉnh Sơn La quản lý theo QĐ số 2009/QĐ-TTg ngày 04/11/2013 để thực hiện các công trình, dự án nêu trên; trường hợp thiếu vốn, tỉnh Sơn La phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng bố trí vốn giai đoạn 2016-2020.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra thực tế một số hạng mục, công trình bị hư hỏng thuộc Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Sơn La. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các công trình này bị hư hỏng do nguyên nhân khách quan như thiên tai, mưa lũ, còn lại một vài công trình hư hỏng do ý thức người sử dụng và công tác duy tu, bảo dưỡng không tốt.
Bổ sung kinh phí hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung kinh phí năm 2015 của Bộ Tư pháp.
Cụ thể, bổ sung 6 tỷ đồng cho Bộ Tư pháp từ nguồn chi quản lý hành chính thuộc ngân sách trung ương năm 2015 để thực hiện Quyết định 2139/QĐ-TTg, ngày 28/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện điều chỉnh nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014, thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020.
Việc quản lý, sử dụng kinh phí bổ sung thực hiện theo quy định hiện hành.
Theo Quyết định 2139/QĐ-TTg, ngày 28/11/2014, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 bao gồm 3 dự án: 1- Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; 2- Hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; 3- Hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể.
Lập BCĐ Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Trưởng ban.
Các Ủy viên gồm: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thứ trưởng Bộ Tài chính; Thứ trưởng Bộ Công Thương; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Các ủy viên mời: Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng và hướng dẫn cơ chế, chính sách có liên quan về phát triển các ngành công nghiệp trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình hành động triển khai Kế hoạch hành động phát triển các ngành công nghiệp đã được ban hành theo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Đồng thời, hợp tác với phía Nhật Bản nhằm xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào các ngành công nghiệp trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Giám sát, kiểm tra và đánh giá hiệu quả việc thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp được lựa chọn để tập trung phát triển theo kế hoạch đề ra; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ các vấn đề về quy định, thủ tục, các vấn đề có tính liên ngành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động trong các ngành công nghiệp được lựa chọn trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Văn phòng Chính phủ