Mẹ là hoạ sĩ, tuổi ngoài 60, mong ước lớn nhất của bà là đi khắp đất nước mình để vẽ chân dung những Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, nhằm khắc họa lại hình ảnh chân thật nhất của người mẹ mà chỉ qua hội hoạ mới lột tả đầy đủ vẻ đẹp nhân hậu, đầy tình yêu thương của người phụ nữ Việt Nam. Bà kể rằng đã đi khắp 63 tỉnh, thành phố của cả nước, đến đâu cũng được các cơ quan nhà nước tạo mọi thuận lợi để gặp gỡ, vẽ chân dung Mẹ VNAH còn sống. Mỗi lần vẽ là bà được gặp gỡ, trải nghiệm những hình ảnh, nét suy tư, dấu ấn thời gian rất riêng của mỗi Mẹ VNAH nhưng đều tự hào về sự hy sinh, cống hiến của chồng, con mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Ấn tượng nhất của hoạ sĩ là trong lần vẽ về Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ Thứ có chồng, 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ, là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất cả nước trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc. Mẹ ngồi làm mẫu vẽ nhưng nét mặt, dáng điệu như thả hồn nhìn vào không gian xa xăm. Thấy vậy, hoạ sĩ hỏi, mẹ nói: “Cứ chiều chiều là mẹ như thấy chồng, con đang trên đường trở về nhà và mẹ trông chờ cha, con chúng nó hàng ngày vào mỗi buổi chiều đã bao nhiêu năm nay rồi”. Sau chuyến công tác dài ngày trở về TP. Hồ Chí Minh, hoạ sĩ kiểm tra lại và nhận thấy còn nhiều Mẹ VNAH chưa được vẽ chân dung. Thời gian cứ trôi nhanh theo cuộc sống hối hả và hoạ sĩ ước mong chúng hãy chậm lại để bà được vẽ chân dung tất cả Mẹ VNAH còn sống như một hạnh phúc được tri ân các Mẹ VNAH.
Một câu chuyện khác về một chị bị tai nạn giao thông mất hai chân, nhờ sự tiếp sức của rất nhiều người cho máu nên được cứu sống. Chị suy nghĩ phải làm gì đây có ích cho đời. Với tài năng và tấm lòng nhân hậu, chị đã vận động các nhà hảo tâm, tập hợp bạn bè tình nguyện xây dựng nên “Thư viện sách nói” dành cho người mù đầu tiên của cả nước tại TP. Hồ Chí Minh. Chị cho rằng mình làm việc này vì tự thấy nợ mọi người nhiều quá và không nghĩ rằng sẽ trả nợ mà chỉ cố gắng làm việc để giúp những người không may mắn.
Trở lại câu hỏi của một bà mẹ “Một năm có bao nhiêu ngày”, đất nước ta có biết bao nhiêu bà mẹ trong tiềm thức ngày ngày ngóng trông chồng, con, cháu… trở về dù biết rằng họ đã ra đi mãi mãi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của chúng ta hôm nay. Tình yêu của Mẹ VNAH với chồng, con, cháu và quê hương, đất nước không có ngày, tháng, năm. Từ những câu chuyện trên đây, thiết nghĩ chúng ta còn nợ (như suy nghĩ của chị thư viện sách nói) và phải làm gì đây để 365 ngày trong năm là ngày Mẹ VNAH đang sống và những người có công với đất nước được chia sẻ về tình cảm, được giúp đỡ về vật chất và cảm thấy ấm lòng bởi có chúng ta luôn bên cạnh.
Bảo Ngọc