Từ nhiều tháng nay, anh Đạo Thanh Chảo (thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn, Ninh Sơn) đến những vùng sản xuất chủ động nước mua cây bắp, rơm về cho 30 con bò của gia đình ăn thêm khi cánh đồng chăn thả Chà Vum không còn thức ăn cho gia súc. Hầu hết các hồ chứa nước trên đồng Chà Vum đều khô cạn nên nhiều hộ có đàn cừu lớn phải chở nước uống cho gia súc. Chiều nào anh Hứa Ngọc Hiến (thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn) cũng chở khoảng 1.000 lít nước cho đàn cừu hơn 300 con của gia đình. Anh Hiến cho biết, đây là tài sản lớn nhất của gia đình tích góp được mấy năm nay, nên dù có khổ mấy cũng phải ráng giữ cho được.
Đàn cừu trên cánh đồng chăn thả Quán Thẻ (xã Phước Minh, Thuận Nam). Ảnh: H.T
Trồng bắp xoay vòng tạo thức ăn xanh cho gia súc nhanh hơn trồng cỏ. Cách làm hiệu quả này đang ngày càng được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng. Cùng với đó, rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp cũng được người dân chủ động tích trữ để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong điều kiện nắng hạn được dự báo còn kéo dài. Ông Thiên Sanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nam (Thuận Nam), cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Phước Nam với tổng đàn gia súc khoảng 25.000 con, đặc biệt đàn cừu khoảng 18.000 con. Với sự chủ động và nỗ lực của người chăn nuôi, trồng bắp để làm thức ăn cho gia súc, do vậy đến thời điểm tổng đàn gia súc của xã Phước Nam chưa có ảnh hưởng nghiêm trọng lắm.
Hiện các vùng còn chủ động nước của tỉnh đang bước vào sản xuất vụ hè – thu 2015. Do vậy, đây cũng là thời điểm khó khăn đối với đàn gia súc của các địa phương vùng hạn. Trước thực tế này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương thực hiện quyết liệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trong vụ hè– thu này, thực hiện quyết liệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, việc này gắn bó rất chặt chẽ với việc cung cấp thức ăn cho đàn gia súc, đặc biệt là những loại cây trồng có tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp cao như bắp, đậu... Và từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, hiện nay các địa phương đang thực hiện việc hỗ trợ cho đàn gia súc để đảm bảo làm gia súc được bảo vệ đến mức tốt nhất.
Nhiều hộ dân ở xã Phước Trung (Bác Ái) nỗ lực giữ đàn bò trong mùa khô hạn. Ảnh: XB
Anh Trần Lê Nghĩa (thôn Khánh Nhơn 2, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải), bộc bạch: Tôi mới mua năm xe máy cày rơm, nhưng chỉ để dành khi thật cần thiết. Trước mắt, tôi chia đàn bò, cừu thành những nhóm nhỏ. Những con khỏe mạnh lùa đến những cánh đồng vừa thu hoạch xong để kiếm thức ăn, nước uống; những con ốm yếu thì nhốt tại chuồng cho ăn cỏ voi. Riêng bò, cừu con thì cho uống thêm mật mía, thức ăn tinh bột. Với cách chăm sóc này, mặc dù nắng hạn kéo dài, nhưng người chăn nuôi vẫn chủ động được nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Những hộ không có điều kiện mua nhiều rơm để tích trữ thì trồng bắp, bo bo để sau khi thu hoạch, lấy thân cây làm thức ăn cho gia súc.
Việc di chuyển đàn gia súc từ vùng này sang vùng khác tìm thức ăn và nguồn nước cũng là cách “chạy hạn” hiệu quả nhưng việc tập trung một đàn gia súc lớn sẽ gây ra dịch bệnh, nên ngay từ ban đầu, ngành Thú y đã tổ chức tiêm phòng kiểm soát dịch bệnh trước khi chuyển đàn. Ông Trương Khắc Trí, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y, cho biết: Chúng tôi đã hướng dẫn lực lượng thú y cơ sở tiêm phòng một số loại bệnh, ngoài ra còn tiêm Vitamin C cho đàn gia súc khi di chuyển về nơi chăn thả mới. Riêng đối với những vùng tập trung chăn thả gia súc dọc theo các tuyến kênh Nam, kênh Bắc, thú y cơ sở thường xuyên hỗ trợ người chăn nuôi phun độc khử trùng tránh lây lan dịch bệnh.
Có thể nói, tinh thần quyết tâm giữ đàn gia súc vượt qua mùa hạn đã được người chăn nuôi cùng các cấp chính quyền thực hiện một cách quyết liệt. Ngoài sự nỗ lực của người dân trong lúc khó khăn, thì ở các địa phương vùng hạn hán của tỉnh, việc chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc lúc này đang được đặc biệt quan tâm, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của người dân.
Hoàng Trung