Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững và thành công, ông luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, nghiên cứu sâu các mô hình nuôi tôm mang lợi nhuận cao; áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất như: Phòng trị bệnh hiệu quả, nuôi theo hướng“công nghệ sinh học”... và tham gia vào chương trình “VietGAP”. Hằng năm, nghề nuôi tôm của gia đình cho thu nhập từ 1,5 - 2 tỷ đồng.
Ông Tu Thanh Hường.
Nghề nuôi tôm là một trong những nghề phát triển mạnh và có tiềm năng kinh tế cao. Nhưng phần lớn do nuôi tự phát, cùng với môi trường, khí hậu, thời tiết ... những biến đổi không thuận lợi và dịch bệnh luôn phát sinh theo từng chu kỳ. Mặt khác, thị trường nhập khẩu tôm trên thế giới ngày càng kiểm soát gắt gao về chất lượng, dư lượng kháng sinh, hóa chất... nên nông dân cần phải nắm bắt, kịp thời đổi mới, nghiên cứu ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất để nâng cao chất lượng và giá của tôm xuất khẩu Việt Nam. Vì thế, một số bà con nông dân đã mạnh dạn đề nghị cho phép thành lập tổ nuôi tôm G9+ với 9 thành viên, trong đó: Ninh Thuận (7), Bình Thuận (1), Khánh Hòa (1) nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, thông tin giá cả thị trường, trao đổi về chất lượng thuốc, thức ăn, tình hình nuôi tôm trong nước và các nước khác.
Ai cũng biết rằng nghề này mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhận thức được điều đó, ông đã trao đổi, chia sẻ với những bà con cùng nghề và đề xuất thành lập Tổ hợp tác sản xuất. Được sự chấp thuận của UBND xã Phước Dinh, ông và một số thành viên đã lập 3 tổ nuôi tôm cộng đồng, có đề ra quy chế rõ ràng và lịch sinh hoạt cụ thể. Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ để chia sẻ kinh nghiệm thực tế, đánh giá kết quả việc áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Nhận thấy hoạt động của tổ nuôi tôm cộng đồng có hiệu quả, ông đã vận động thành lập thêm tổ nuôi tôm cộng đồng “Quyết Thắng”, thành viên của tổ không chỉ là những người trong cùng địa bàn xã, mà ở nhiều xã khác trong huyện như Thuận Nam, Ninh Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm...
Họp mặt đều đặn vào ngày mùng 9 AL hàng tháng, các thành viên cùng nhau trao đổi các mô hình, quy trình sản xuất, các phương pháp phòng trị bệnh hiệu quả, vấn đề quản lý môi trường, đề ra chương trình tham quan, học hỏi từ các tỉnh bạn... Đặc biệt, quan tâm nhiều đến quy trình nuôi theo hướng “Công nghệ sinh học”, đồng thời áp dụng vào tiêu chuẩn “VietGAP” nhằm mục đích cho con tôm Việt Nam xuất khẩu được các nước chấp nhận. Đến nay, tổ đã kết nạp thêm 4 thành viên ở Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu và Bến Tre. Hầu hết, các thành viên đều là những người có nhiều kinh nghiệm và rất tâm huyết với nghề.
Để được như ngày hôm nay, bên cạnh những nỗ lực của bản thân, ông còn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ cho cho những hộ nghèo ở địa phương có công ăn việc làm ổn định. Một số hộ trước đây nhà ở tạm bợ, dột nát, nay đã có nhà cửa khang trang và cuộc sống ngày càng ổn định hơn, như hộ ông Đoàn Văn Sắc, Lê Văn Bình ở thôn Sơn Hải 2 (xã Phước Dinh, Thuận Nam). Ngoài ra, hằng năm gia đình ông đều tích cực tham gia, ủng hộ các loại quỹ ở địa phương như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo, Quỹ Người cao tuổi, Mái ấm tình thương v.v... và một số tiêu chí thiện nguyện khác.
Không những tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động tại địa phương với thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng mà còn tạo thêm việc làm cho 30-50 công lao động thời vụ, như thu hoạch tôm, cải tạo ao đìa... góp phần giảm nghèo cho một số hộ ở địa phương.
Với những kết quả trong lao động, sản xuất mà bản thân và gia đình đã đạt được, ông được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam; Hội Nghề cá tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Chi Cục Thú y tỉnh và của chính quyền địa phương... Nhiều năm liền gia đình ông được công nhận là gia đình văn hóa cấp cơ sở và cấp tỉnh.
Thùy Trang