Còn nhiều ý kiến khác nhau về Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự

Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, trong đó, tập trung làm rõ: Có bổ sung quy định kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hay không? Vấn đề về mô hình cơ quan điều tra, về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan điều tra và điều tra viên.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung (TP. Hà Nội) không đồng tình bổ sung quy định về các lực lượng kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Đại biểu lập luận: Theo định hướng cải cách tư pháp, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị nêu rõ, cần thu gọn đầu mối cơ quan điều tra. Qua thực tế, trong thời gian vừa qua, các phát hiện về tội danh chứng khoán chủ yếu do nội bộ và phát hiện bằng các biện pháp nghiệp vụ. Hơn nữa, các vụ trốn thuế liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, liên quan đến công tác quản lý và công tác điều hành trực tiếp của cán bộ thuế với các doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh cá thể mà để các cơ quan này điều tra thì không đảm bảo được tính khách quan.

 

Đại biểu Nguyễn Đức Chung (TP. Hà Nội) phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Một số đại biểu cho rằng, cần bổ sung thêm một số cơ quan điều tra mới. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đồng tình bổ sung cơ quan thuế, kiểm ngư và cơ quan chứng khoán. Riêng Bộ Công an có bổ sung thêm hai cục là Cục Phòng, chống tội phạm công nghệ cao và Cục Chống buôn lậu. Đại biểu cho rằng, việc bổ sung 5 cơ quan này có một số nhiệm vụ điều tra thì sẽ giúp cho các cơ quan điều tra khác phát hiện tội phạm nhanh chóng hơn, kịp thời hơn và đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Việc quy định thẩm quyền của cơ quan điều tra, mở rộng các cơ quan điều tra là cần thiết và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đồng ý bổ sung Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu thuộc hệ thống tổ chức cơ quan Cảnh sát điều tra trong Công an nhân dân. Đại biểu cho rằng, trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm về buôn lậu hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình hiện nay, dự báo trong thời gian tới, các tội phạm này diễn biến hết sức phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Vì vậy, việc xây dựng cơ quan chuyên trách đủ mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm này nhằm góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trong nước, bảo vệ sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng là một yêu cầu khách quan.

Bàn về trách nhiệm của lực lượng Công an xã, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị, bỏ những quy định về thẩm quyền mang tính chất điều tra ban đầu của Công an xã; đồng thời, đề nghị Quốc hội cho dừng thực hiện những quy định của Pháp lệnh Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành ở những nội dung về thẩm quyền tố tụng hình sự của Công an xã để ngăn chặn những sai phạm có thể xảy ra trong thời gian tới. Thay vào đó là tăng cường thành lập các đồn Công an chính quy và điều động các cán bộ, chiến sỹ Công an chính quy xuống để thực hiện những nhiệm vụ này. Cùng với đó, nâng tiêu chuẩn tuyển chọn đầu vào của Công an xã để bảo đảm năng lực thực thi nhiệm vụ; nâng chế độ, chính sách cho lực lượng này để đảm bảo được cuộc sống và yên tâm gắn bó với nghề.

Đồng tình với đại biểu Lê Thị Nga, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng) cũng đề nghị, xem xét không quy định trách nhiệm Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an vào dự thảo Luật này. Bởi vì trên thực tế, Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ còn hạn chế, chưa được qua đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra. Do đó, việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho Công an xã sẽ vượt quá khả năng, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho cơ quan điều tra chuyên trách hoặc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.

Về thẩm quyền điều tra, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị, trong Luật này cần có bước cải tiến về điều tra các loại tội về tham nhũng, chức vụ. Nhiều năm rồi, chúng ta băn khoăn: Tại sao hiệu quả điều tra loại tội này chưa được cao, còn hạn chế? Ở loại tội phạm đặc biệt nghiệm trọng về tham nhũng và người phạm tội từ cán bộ cấp tỉnh trở lên nên để cho cơ quan điều tra cấp Bộ làm. Những tội do cán bộ cấp huyện gây ra nên để cơ quan điều tra cấp tỉnh làm. Thực tế, cơ quan điều tra cấp huyện trong thời gian dài vừa qua có điều tra cũng chỉ điều tra cán bộ xã, phường, tội phạm tham ô vài chục triệu ở xã, phường, trưởng thôn, như vậy là phù hợp. Cho nên, cần có một sự đổi mới để đẩy mạnh hơn việc khám phá, phòng, chống tội phạm tham nhũng.

Đại biểu cũng đề xuất, các vụ án oan sai thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng mà mức án đã xử tới chung thân, tử hình do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy án điều tra lại, xét xử lại, nên để cho cơ quan điều tra cấp Bộ làm, vì vụ án phức tạp và bảo đảm khách quan, tránh bảo thủ, định kiến. Nên giao cho cơ quan có tầm cao hơn như Bộ sẽ rõ ràng hơn./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam