Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Phê duyệt Phương án cổ phần hóa Cty mẹ - TCty Chè Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Chè Việt Nam.

Theo đó, hình thức cổ phần hóa Tổng công ty chè Việt Nam - Công ty cổ phần (VINATEA.JSC) là bán toàn bộ phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp và kết hợp phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Vốn điều lệ của VINATEA.JSC là 370 tỷ đồng. Cổ phần phát hành lần đầu 37 triệu cổ phần, mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng, trong đó: Cổ phần nhà nước nắm giữ 0% vốn điều lệ, 1.627.200 cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong Tổng công ty, chiếm 4,398% vốn điều lệ; 11.789.000 cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường, chiếm 31,862% vốn điều lệ; cổ đông chiến lược: 23.583.800 cổ phần, chiếm 63,74% vốn điều lệ.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định tiêu chí và chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có năng lực, phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, cam kết đầu tư lâu dài phát triển Tổng công ty Chè Việt Nam và theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thời gian bán cổ phần trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày Phương án cổ phần hóa được phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định và chịu trách nhiệm về mức giá khởi điểm bán đấu giá, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian và Sở giao dịch chứng khoán để bán cổ phần, chỉ đạo Tổng công ty Chè Việt Nam tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Chè Việt Nam - Công ty cổ phần thực hiện việc đăng ký giao dịch và niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty Chè Việt Nam - Công ty cổ phần theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 1.319 người; tổng số lao động chuyển sang công ty cổ phần là 1.180 người.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ đạo Tổng công ty Chè Việt Nam rà soát, bổ sung phương án sắp xếp lao động, xác định số dư Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, phương án chia số dư các quỹ trên (nếu có) theo quy định và thực hiện chế độ đối với người lao động không chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần theo đúng chế độ nhà nước quy định. Nguồn kinh phí chi trả cho người lao động, mất việc làm thực hiện theo quy định hiện hành, trường hợp thiếu thì sử dụng nguồn thu bán vốn nhà nước.

Sử dụng tăng thu ngân sách thực hiện nhiệm vụ cấp bách của địa phương

Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Nghệ An chuyển 200 tỷ đồng trong tổng số 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương năm 2014 để thực hiện cải cách tiền lương năm 2015 sang thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trong đó ưu tiên trả nợ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sau khi sử dụng khoản kinh phí trên, tỉnh Nghệ An phải bảo đảm bố trí đủ kinh phí làm lương và cải cách tiền lương năm 2015, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.

Việc quản lý, sử dụng số kinh phí trên thực hiện theo đúng quy định hiện hành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo các Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo điều hành có liên quan của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo, chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư giám sát việc sử dụng nguồn vốn nêu trên tại địa phương.

Đối với các địa phương khác có đề nghị tương tự tỉnh Nghệ An nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát theo nguyên tắc các địa phương phải dành một phần đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương trước khi đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển nguồn sang thực hiện nhiệm vụ khác; đồng thời các địa phương phải cam kết bảo đảm bố trí đủ kinh phí làm lương và cải cách tiền lương năm 2015, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn địa phương thực hiện theo đúng quy định.

Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 279B, tỉnh Điện Biên

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 279B, tỉnh Điện Biên.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép bổ sung quốc lộ 279B vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Bộ giao thông vận tải cân đối vốn chuẩn bị đầu tư Dự án trong kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2015 đã giao cho Bộ Giao thông vận tải; tổng hợp vốn thực hiện Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của Bộ Giao thông vận tải theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Theo Bộ Giao thông vận tải, quốc lộ 279B dài 11,5km là tuyến nối quốc lộ 279 với khu di tích lịch sử Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Tuyến đường hiện ở tiêu chuẩn thấp (đường cấp VI-miền núi), mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Do đó việc bổ sung quốc lộ 279B vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 279B là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn giao thông và kết nối, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường các tổ công tác về địa phương giải quyết khiếu nại, tố cáo

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương tăng cường các Tổ Công tác về địa phương tập trung giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương khẩn trương ban hành Quy chế phối hợp tiếp công dân, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm, phương thức phối hợp giữa các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương; lập danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài lên Trung ương, phân loại, có kế hoạch tiếp công dân và biện pháp giải quyết cụ thể.

Bên cạnh đó, cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; nghiên cứu có hình thức thông tin kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài trong khi chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục có những chuyển biến rõ nét. Trụ sở tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội, TPHCM và các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân; từng bước gắn tiếp dân với xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hầu hết các lãnh đạo tỉnh, thành phố thực hiện việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc bức xúc của công dân. Việc phối hợp trong công tác tiếp dân chặt chẽ, kịp thời hơn, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nên đã đạt được những kết quả tích cực. Việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài được các bộ, ngành, địa phương triển khai khá nghiêm túc và đạt được những kết quả tích cực, góp phần ổn định an ninh, trật tự tại các địa phương.

Tuy nhiên, việc triển khai Luật Tiếp công dân ở một số địa phương còn chậm, lúng túng; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao. Vẫn còn một số địa phương, bộ, ngành lãnh đạo chưa quan tâm thỏa đáng đến công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư còn chậm. Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những hạn chế nhất định, tỷ lệ tiếp khiếu còn cao, quá trình giải quyết vẫn còn sai sót. Tại một số địa phương, tình trạng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài còn chậm; hiệu quả thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo còn hạn chế…

Kiểm tra, làm rõ phản ánh về phá đất rừng tại TP Vũng Tàu

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung báo Lao động phản ánh qua bài viết "Đất rừng bị giang hồ xẻ thịt phân lô bán giá bèo".

Trước đó, báo Lao động số ra ngày 10/6/2015 có bài "Đất rừng bị giang hồ xẻ thịt phân lô bán giá bèo" phản ánh thời gian gần đây, một số cá nhân đã phá rừng tại phường 10, thành phố Vũng Tàu để phân lô, bán nền và xây dựng nhà trái phép. Bài báo nêu việc vi phạm đã được chính quyền địa phương kiểm tra nhưng thiếu sự phối hợp của các cơ quan chức năng nên chưa xử lý dứt điểm.

Về việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh của báo Lao động, có biện pháp xử lý kịp thời, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2015.

Thoái vốn tại một số doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa đồng ý thực hiện bán theo lô để thoái vốn tại một số doanh nghiệp.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý thực hiện bán theo lô để thoái vốn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện có tại các Công ty cổ phần: Đá Đồng Mỏ, Xuất nhập khẩu thiết bị đường sắt, Vật tư đường sắt, Khách sạn Hải Vân Nam cho nhà đầu tư có tiềm lực, có cam kết đầu tư lâu dài để phát triển doanh nghiệp.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đồng ý thực hiện bán theo lô để thoái toàn bộ vốn của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam - CTCP tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển vận tải cho nhà đầu tư có tiềm lực, có cam kết đầu tư lâu dài để phát triển doanh nghiệp.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng đồng ý thực hiện bán theo lô để thoái toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại Tổng công ty Công trình giao thông 5 - CTCP và Tổng công ty Công trình giao thông 6 - CTCP cho nhà đầu tư có năng lực, có cam kết đầu tư lâu dài để phát triển doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu việc thoái vốn thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thoái vốn theo lô sau khi được ban hành.

Giảm nghèo cần tập trung hơn vào vùng đặc biệt khó khăn

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 cần tập trung hơn vào vùng có tỷ lệ nghèo cao, vùng đặc biệt khó khăn và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có các huyện nghèo theo Chương trình 30a, địa bàn thuộc Chương trình 135.

Để hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thiết kế thêm phương án về tổng nguồn vốn cho Chương trình.

Phó Thủ tướng yêu cầu cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng đầu tư theo thứ tự ưu tiên dựa vào nguồn lực; tập trung đầu tư cho các địa phương khó khăn, thiếu nguồn lực, các địa phương có điều kiện thì tự lực hoặc có hỗ trợ một phần từ Trung ương; tăng thêm nguồn lực cho hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo dựa vào cộng đồng và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, dự kiến tổng nguồn lực bố trí cho Chương trình theo nguyên tắc có yếu tố tăng trưởng.

Về cơ chế, chính sách đối với các đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Thủ tướng giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thêm báo cáo về rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách giảm nghèo bền vững; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này.

Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều

Về Đề án chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng yêu cầu chuẩn nghèo đa chiều cần bảo đảm yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần mọi người dân đều được hưởng các thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước về nhiều mặt.

Trong đó, tiêu chí về thu nhập cần bảo đảm cân đối với tốc độ tăng thu nhập bình quân của xã hội và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

Các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ của mình chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, đề xuất cụ thể tiêu chí về các nhu cầu xã hội cơ bản.

Tháo gỡ khó khăn cho diêm dân

Bản tin ngày 8/6/2015 của Thông tấn xã Việt Nam phản ánh về muối được mùa mất giá, đời sống diêm dân khó khăn.

Theo Bản tin ngày 8/6/2015 của Thông tấn xã Việt Nam, nhờ thời tiết nắng nóng nên năm nay diêm dân Phú Yên được mùa muối, nhưng giá muối xuống rất thấp, chỉ 500 đồng/kg nhưng cũng rất ít thương lái đến mua, khiến đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn.

Hiện giá muối thấp hơn năm ngoái gần 200 đồng/kg, còn so với năm 2013 thì giá muối giảm đến 900 đồng/kg. Tuy vậy, diêm dân vẫn muốn bán để có tiền chi tiêu gia đình nhưng không bán được. Hiện nay sản lượng muối còn tồn trong dân, chưa tiêu thụ lên tới ít nhất là 8.400 tấn.

Về việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và UBND tỉnh Phú Yên xem xét, nghiên cứu, có giải pháp cụ thể; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Sửa đổi thủ tục, rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải rà soát sửa đổi, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý điều hành có nội dung liên quan đến các thủ tục thực hiện tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp.

Triển khai thực hiện rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 33/2014/TT-BCT ngày 10/10/2014 quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện có đề nghị đấu nối vào lưới điện trung áp. Theo đó, thời gian tiếp cận điện năng được quy định rút xuống còn từ 33-41 ngày, trong đó thời gian thực hiện thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước tương ứng là từ 15-23 ngày, thời gian thực hiện thủ tục của các đơn vị điện lực là 18 ngày.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, sau thời gian triển khai thực hiện Thông tư số 33/2014/TT-BCT và văn bản số 820/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ ngày 30/1/2015 về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, một số địa phương đã và đang triển khai khá tốt. Tuy nhiên, nhìn chung UBND cấp tỉnh hiện vẫn chưa ban hành các quy định về thời hạn giải quyết đối với các thủ tục thỏa thuận vị trí cột/trạm điện và hành lang lưới điện, cấp phép thi công xây dựng công trình điện.

Đồng thời, quy trình thực hiện còn phát sinh một số thủ tục như xác nhận phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất; cấp phép đối với đường điện qua rừng; đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường làm tăng thêm thời gian thực hiện tiếp cận điện năng. Bên cạnh đó, một số quy định vẫn chưa phù hợp với các quy định hiện hành...

Để khắc phục những hạn chế, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của các cơ quan chức năng để rà soát sửa đổi, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý điều hành có nội dung liên quan đến các thủ tục thực hiện tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp.

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 820/VPCP-KTN về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp, cụ thể là sớm ban hành các quy định về thời hạn giải quyết các thủ tục thỏa thuận vị trí cột/trạm điện và hành lang lưới điện, cấp phép thi công xây dựng công trình điện theo quy định của các cấp có thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.