Nhiều ý kiến tán thành với việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, nhiều quy định trong dự thảo Bộ luật đã thể hiện tư tưởng tiến bộ, đúng tinh thần, định hướng cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: TTXVN)
Đa số ý kiến đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: chống loài người, phá hoại hòa bình, tội phạm chiến tranh. Đại biểu Tô Văn Tám (Kom Tum) cho rằng: Tội phá hoại hòa bình, tội gây chiến tranh xâm lược, tội phạm chiến tranh là những tội phạm hết sức nguy hiểm và gây hậu quả lớn. Một cuộc chiến tranh gây ra thiệt hại vô cùng to lớn về người và tài sản. Hơn nữa, đây cũng là vấn đề mang yếu tố chính trị, khi mà chúng ta đã, đang và sẽ tham gia có trách nhiệm vào hòa bình và an ninh thế giới. Những quy định như vậy được coi như là tuyên bố chính trị của nhà nước ta đối với việc giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới. Bởi vậy, cần cân nhắc kỹ và thật cẩn trọng khi loại bỏ hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này.
Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) cho rằng, cần xem xét việc không thi hành án tử hình đối với người trên 70 tuổi, mặc dù đây là một chính sách nhân đạo đối với những người đã đến tuổi thượng thọ của nhà nước. Theo lập luận của đại biểu, như một số nước có nền kinh tế phát triển, tuổi thọ ngày càng tăng, những người từ 70 tuổi trở lên vẫn khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, là những người hiểu biết, kinh nghiệm. Thực tế ở Việt Nam, những người ở tuổi này không phải là hiếm, vẫn có khả năng là người cầm đầu các tổ chức tội phạm, còn có thể phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Nếu chúng ta chuyển đối tượng này từ án tử hình sang chung thân thì đối tượng này sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, hậu quả không lường trước được, pháp luật sẽ không có tính răn đe... Do đó, đề nghị Bộ luật bỏ quy định này.
Đối với tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy, nhiều đại biểu cho rằng, cần tiếp tục quy định hình phạt tử hình đối với tội này. Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nêu ý kiến, không có công đoạn vận chuyển thì không thể có hàng trăm, hàng nghìn kg ma túy từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Ở Việt Nam, tội phạm ma túy chủ yếu là hoạt động vận chuyển. Đây là khâu quan trọng trong hành trình tội ác, là khâu quyết định để ma túy có thể xâm nhập vào Việt Nam. Bỏ tử hình với tội danh này, đồng nghĩa với khuyến khích, dung túng cho cái ác, mở đường cho ma túy vô tư xâm nhập vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị bỏ hình phạt tử hình ở các tội: tham ô, nhận hối lộ, sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh vì thực tế việc truy tố, xét xử các tội này từ trước đến nay rất ít.
Nhiều ý kiến tán thành việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Theo đó, việc chứng minh tội phạm và làm rõ hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm của pháp nhân là trách nhiệm của Nhà nước, không đẩy trách nhiệm cho người dân; đồng thời đề nghị quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong phạm vi hẹp như: rửa tiền, tài trợ khủng bố và gây ô nhiễm môi trường...
Phân tích tình hình thực tế hiện nay về tình trạng người chưa thành niên phạm tội có diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng, các đại biểu cho rằng nếu thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự như trong dự thảo Bộ luật sẽ bỏ lọt nhiều tội phạm, khó đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì vậy, nhiều đại biểu thống nhất quan điểm là không tăng và hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mà giữ nguyên độ tuổi như hiện nay.
Đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) nêu ý kiến: Thực tế hiện nay, trẻ em phạm tội danh đang gia tăng và trẻ hoá thực sự đáng lo ngại với con số trung bình là 10.000 vụ tội phạm hình sự do trên 15.000 trẻ em gây ra trên toàn quốc mỗi năm. Vì vậy, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét kỹ độ tuổi phạm tội của người chưa thành niên hiện nay cũng như tâm sinh lý, khả năng phát triển, chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên để quy định cho phù hợp.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị không quy định chuyển hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù, vì không nên cùng lúc áp dụng 2 loại hình phạt khác nhau. Trường hợp không thi hành hình phạt sẽ bị truy tố về tội không chấp hành án; việc chuyển đổi hình phạt sẽ làm xấu hơn tình trạng của bị cáo và không khả thi./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam