Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Theo đó, việc chứng minh tội phạm và làm rõ hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm của pháp nhân là trách nhiệm của Nhà nước, không đẩy trách nhiệm cho người dân. Đồng thời đề nghị quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong phạm vi hẹp như: rửa tiền, tài trợ khủng bố và gây ô nhiễm môi trường...
Đại biểu Trần Du Lịch ( TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, pháp nhân là người đại diện trước pháp luật, cần xác định rõ như vậy. Pháp nhân vi phạm pháp luật thì người đại diện phải chịu trách nhiệm. “Tôi ủng hộ pháp nhân là phải chịu hình sự nhưng cần quy định chặt chẽ, và chủ yếu áp dụng ở lĩnh vực kinh tế. Mỹ quy định phạt các ngân hàng có khi tới 4-5 tỷ USD, để khi ngân hàng tham lam thì phải trả lại tiền cho xã hội”- ông Trần Du Lịch nói.
Đồng quan điểm, Đại biểu Trần Văn Độ, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương cho rằng, xử hành chính hiện nay đối với pháp nhân chưa đủ nghiêm minh. Lấy ví dụ vụ Vedan, sai phạm nghiêm trọng như vậy nhưng mức xử hành chính cao nhất chỉ 271 triệu đồng. Xử lý nhẹ như vậy sẽ không đủ sức răn đe, do đó đại biểu đề nghị cần quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân. Đại biểu cho rằng, xu thế tất yếu hiện nay là sai phạm nghiêm trọng thì phải giao tòa án xử, không thể giao cơ quan xử lý hành chính.
Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Đồng tình với ý kiến đề xuất quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật hình sự (sửa đổi), song đại biểu Nguyễn Trọng Trường ( tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, do đây là một vấn đề mới liên quan đến nhiều vấn đề như cơ sở của việc quy định trách nhiệm hình sự, xác định lại khái niệm về tội phạm và hình phạt, chứng minh hậu quả của hành vi phạm tội, phân định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, phân định trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân trong việc thực hiện hành vi phạm tội; hình phạt áp dụng đối với pháp nhân, trình tự, thủ tục tố tụng đối với pháp nhân. Bởi vậy, Đại biểu Nguyễn Trọng Trường đề nghị cần thận trọng khi quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật hình sự (sửa đổi).
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị, trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân chỉ nên áp dụng đối với một số tội danh nhất định. Đồng thời, nếu quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thì quy trình, thủ tục tố tụng hình sự đối với pháp nhân cần có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Mặt khác, cần tính toán đến vấn đề an sinh xã hội trong trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động của pháp nhân.
Băn khoăn việc bỏ tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
Dự thảo Bộ luật hình sự dự kiến sẽ bỏ 8 tội danh không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Trong đó có Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165), để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm sự minh bạch và an toàn của môi trường sản xuất, kinh doanh.
Ủng hộ bỏ tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đại biểu Bùi Quang Vinh (Lai Châu) cho rằng nên bỏ dần những điều luật chung chung, cần cụ thể hóa để tạo động lực trong đầu tư, kinh doanh.
“Chúng ta luôn nói đến nguyên tắc không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự, nhưng đây vẫn tiếp tục là cản trở rất lớn, làm nản lòng các nhà đầu tư, doanh nhân. Trong một nền kinh tế chuyển đổi như nước ta, các khái niệm không thật rõ ràng, chỉ sơ sẩy là bị quy tội hình sự. Mục tiêu của sai phạm kinh tế là gì? Xét cho cùng là tiền. Vậy phải có giải pháp xử lý những sai phạm kinh tế sao cho đúng mức, trừ phi gây hại cho xã hội nghiêm trọng, còn không thì mục tiêu cao nhất là thu hồi các khỏan chiếm lợi phi pháp và phạt nặng hơn; mà các biện pháp hình sự chưa chắc đạt được mục tiêu đó” - đại biểu Bùi Quang Vinh phân tích.
Theo đại biểu Bùi Quang Vinh, để xử lý vi phạm loại này thì biện pháp kinh tế là quan trọng nhất, có như vậy mới được tạo động lực phát triển. Hiến pháp mở, luật kinh tế mở mà pháp luật hình sự bó hẹp lại một cách không rõ ràng thì kinh tế không phát triển được.
Không đồng tình với ý kiến của Đại biểu Bùi Quang Vinh, Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị Quốc hội xem xét thận trọng để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Đại biểu cho rằng: Nếu không bị phát giác thì tội phạm kinh tế cứ ung dung sống cả đời bằng đồng tiền phi pháp? Ngân sách cần tiền, nhưng không vì cần tiền mà bất chấp sự công bằng xã hội.
Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh ( tỉnh Phú Thọ) cũng đồng tình với việc không nên bỏ tội danh cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
“Đôi khi rất khó chứng minh mục tiêu vụ lợi, dù sai phạm rất rõ ràng, hậu quả rất lớn; nếu bỏ tội danh này sẽ rất dẫn đến bỏ lọt tội phạm, hạn chế kết quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng” – Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh phân tích.
Ngoài những nội dung trên, các đại biểu cũng cho ý kiến về hạn chế hình phạt tử hình với việc bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình trong luật hiện hành; không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên...
Về vấn đề hạn chế hình phạt tử hình, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này đã bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình, gồm: cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Đồng thời, dự thảo Bộ luật tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy được quy định tại Điều 194 của Bộ luật Hình sự hiện hành, thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn đối với các tội danh khác, trong đó có tội vận chuyển trái phép chất ma túy, thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân....
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam