Mô hình nuôi cừu sinh sản - tạo sinh kế cho hộ nghèo và cận nghèo ở Phước Vinh

(NTO) Những năm qua, tranh thủ nguồn vốn từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), xã Phước Vinh (Ninh Phước) đã chú trọng thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, lựa chọn các mô hình chăn nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đáng kể là việc thực hiện mô hình nuôi cừu sinh sản không những tạo sinh kế cho hộ nghèo và cận nghèo mà còn góp phần thúc đẩy nghề chăn nuôi cừu ở địa phương ngày càng phát triển bền vững.

Đồng chí Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Phát triển xã cho biết: Là địa phương thuần nông nên bên cạnh trồng trọt thì chăn nuôi cũng là thế mạnh của xã Phước Vinh. Hiện nay, tổng đàn gia súc của xã có 12.400 con, bao gồm là bò, dê, cừu và heo; trong đó đàn cừu chiếm số lượng lớn nhất với 3.600 con Từ điều kiện thực tế phù hợp với chăn nuôi như có đồng cỏ tự nhiên rộng, hầu hết người nuôi đều là nông dân có đất trồng trọt, tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có như lá bắp, nho, táo và một số hoa màu khác nên chăn nuôi gia súc, trong đó có chăn nuôi cừu là một trong những chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo được Ban Phát triển xã xác lập.

 
Được Dự án HTTN hỗ trợ xây dựng chuồng trại và cừu nái sinh sản, hộ chị Trần Thị Kim Phước có điều kiện phát triển chăn nuôi, tăng thêm thu nhập.

Nhằm thúc đẩy chăn nuôi cừu phát triển, từ hướng dẫn của Dự án HTTN, Ban Phát triển xã đã thành lập 3 nhóm đồng sở thích (NST) nuôi cừu ở 3 thôn: Phước An 1, Liên Sơn 1 và Bảo Vinh. Đồng thời triển khai mô hình nuôi cừu sinh sản, ưu tiên cấp con nái cho hộ nghèo và cận nghèo nhân giống. Do điều kiện nguồn vốn hạn hẹp nên Ban phát triển xã rà soát tình hình thực tế và thống nhất của các hộ thành viên chọn nhóm cừu của thôn Liên Sơn 1 triển khai thực hiện mô hình cừu sinh sản. Theo đó, sau khi đã tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi cừu sinh sản, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phòng bệnh trên đàn cừu, phương pháp ủ thức ăn gia súc, vệ sinh chuồng trại... dưới nhiều hình thức như phổ biến lý thuyết, tập huấn hiện trường, cử cán bộ đến hộ gia đình hướng dẫn, Dự án HTTN đã hỗ trợ cho NST nuôi cừu thôn Liên Sơn 1 xây dựng 6 chuồng nuôi và 16 con cừu sinh sản cho các hộ nghèo và cận nghèo trong nhóm.

Chị Trần Thị Kim Phước, thành viên trong NST nuôi cừu thôn Liên Sơn 1, cho biết: Thông qua NST, tôi được Dự án HTTN hướng dẫn cách nuôi cừu sinh sản, hỗ trợ gia đình tôi xây chuồng nuôi và cấp cho 2 con cừu giống. Qua gần 1 năm chăm sóc, đến nay 2 con mẹ đã sinh được 2 con cừu non khỏe mạnh. Theo ước tính, cứ mỗi năm nhân lên được 2 con non thì không lâu sau gia đình tôi sẽ có đàn cừu vài chục con, thu nhập sẽ tăng, kinh tế gia đình ổn định hơn. Cũng như chị Phước, đa phần hộ nghèo và cận nghèo trong NST nuôi cừu của xã tham gia dự án đã biết kết hợp trồng trọt với chăn nuôi trong làm nghề nông, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Theo Ban Phát triển xã Phước Vinh, tuy chỉ là mô hình bước đầu triển khai trên một NST nhưng từ hiệu quả thực tế cho thấy, mô hình cừu sinh sản đã tạo cơ hội cho hộ nghèo và cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Đầu năm 2015, Ban phát triển xã cũng đã kết nối các NST cừu của địa phương với cơ sở Triệu Tín, cam kết cung cấp con giống tốt, thu mua cừu thịt với giá ổn định và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thú y cho hộ chăn nuôi. Từ đó góp phần thúc đẩy người nuôi cừu trong và ngoài NST ở địa phương tiếp tục phát triển chăn nuôi, tạo dựng kinh tế hộ gia đình bền vững và lâu dài.