Để thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh, Ban Phát triển thôn xác định chỉ có phát triển chăn nuôi bò mới nâng cao được cuộc sống cho người dân. Nghề nuôi bò ở thôn 3 thuận lợi vì có khu vực chăn thả tự nhiên dọc theo các triền suối, nông dân chăm chỉ cắt cỏ, tận thu phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò nên chất lượng đàn được cải thiện. Trước đây, Ban Hỗ trợ Kinh doanh Nông nghiệp huyện (DASU) hỗ trợ cho thôn 2 con bò giống để cải tạo đàn. Đến nay, bò đực đã phối giống với bò cái địa phương sinh bê lai có khả năng kháng bệnh tốt, tăng trọng nhanh. Nghề nuôi bò ở thôn 3 phát triển không ngừng với nhiều hình thức như: gia trại, trang trại, nuôi bán thâm canh, nhất là gần đây, xuất hiện thêm mô hình nuôi bò vỗ béo phù hợp với điều kiện của nhiều gia đình, đang được nhân rộng.
Từ nguồn Quỹ CSG, hộ anh Trịnh Văn Phước, Thôn 3, xã Nhị Hà được hỗ trợ 1 con bò nuôi vỗ béo.
Người đi tiên phong trong nuôi bò vỗ béo ở thôn là anh Trịnh Văn Phước. Do không có vốn đầu tư nuôi bò đàn, cánh đây 3 năm, anh đã đến các trang trại tìm mua loại bò suy dinh dưỡng về vỗ béo. Với hình thức nuôi nhốt, bổ sung thêm thức ăn tinh bột cho bò, sau nửa năm là xuất chuồng được. Anh Phước cho biết: Sau 6 tháng vỗ béo, 1 cặp bò bán được 50 triệu đồng, trừ chi phí hộ nuôi lãi 20 triệu đồng. Nhờ vỗ béo bò có hiệu quả, những năm tiếp theo, anh Phước thường xuyên duy trì 2 cặp bò vỗ béo, thu nhập ngày càng được nâng lên, gia đình anh từ hộ có kinh tế trung bình vươn lên hộ khá ở thôn.
Hưởng lợi Dự án Hỗ trợ Tam nông, sau khi khảo sát tình hình kinh tế ở thôn, tháng 10-2014, Ban Phát triển xã quyết định thành lập Nhóm cùng sở thích nuôi bò vỗ béo thôn 3, thống nhất bầu anh Trịnh Văn Phước làm nhóm trưởng. Nhóm gồm 7 thành viên, trong đó có 5 hộ nghèo và cận nghèo. Với tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, anh Phước đã tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm vỗ béo bò cho các thành viên, như: trồng cỏ voi, cách thức ủ rơm làm thức ăn, bồi bổ dinh dưỡng, phòng, chống dịch bệnh cho bò… Hoạt động có hiệu quả của nhóm được DASU huyện đánh giá cao, đồng thời hỗ trợ gần 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ Tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh (Quỹ CSG) để phát triển mô hình vỗ béo bò.
Anh Trịnh Văn Phước cho biết thêm: Từ khi nhận được hỗ trợ của Quỹ CSG vào tháng 12-2014, nhóm đã xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn vốn hợp lý, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững. Trước đây, do điều kiện kinh tế của các thành viên trong nhóm khó khăn, nên chuồng trại nuôi bò rất tạm bợ, có hộ không làm được chuồng phải cột bò dưới những gốc cây. Hiện nay, nhờ có tiền hỗ trợ mỗi thành viên 1,6 triệu đồng làm chuồng, nên tất cả chuồng trại nuôi bò đều rất quy củ. Không dừng lại đó, mỗi thành viên trong nhóm còn được nhận 1 con bò mua từ kinh phí Quỹ CSG về vỗ béo. Theo đánh giá của Ban Phát triển thôn 3, tinh thần trách nhiệm “tương thân, tương ái” giữa các thành viên trong nhóm cùng sở thích nuôi bò vỗ béo thôn 3 rất cao. Mỗi tháng nhóm tổ chức sinh hoạt định kỳ một lần, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, đóng quỹ mua thức ăn tinh bột cho bò với mức 30.000 đồng/thành viên/tháng. Nhờ có nguồn thức ăn dồi dào, bò vỗ béo phát triển nhanh, đến nay, trị giá mỗi con khoảng 20 triệu đồng, dự tính đến cuối năm 2015 xuất chuồng lứa đầu, sau đó mỗi thành viên mua thêm 1 cặp bò về tiếp tục vỗ béo. Theo nhận định của anh Phước, với hình thức nuôi này, 2 năm sau trong nhóm không còn thành viên nghèo.
Anh Trần Phước Trung, cán bộ địa chính, thành viên Ban Phát triển xã Nhị Hà, cho biết: Quỹ CSG đã tạo được cơ hội sinh kế, hiệu quả bền vững cho các hộ nghèo. Ban Phát triển xã đang có kế hoạch thành lập thêm một nhóm cùng sở thích nuôi bò vỗ béo ở thôn 3, dự kiến ra mắt vào tháng tới.
Anh Tùng