Quá trình thực hiện trên tinh thần công khai, dân chủ, tạo được sự đồng thuận của các cấp, các ngành. Nhiều CB,CC,VC không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất đã được đưa ra khỏi bộ máy nhà nước, đồng thời tuyển chọn những người có trình độ, năng lực chuyên môn cao hơn, đáp ứng yêu cầu công việc…để bổ sung vào các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Chất lượng và cơ cấu của đội ngũ CB,CC,VC có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiệu quả công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CB,CC,VC vẫn còn không ít những hạn chế, tổng biên chế có xu hướng tăng lên, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã…
Cán bộ xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) tiếp công dân tại bộ phận “một cửa”. Ảnh: Văn Miên
Thực ra, tinh giản biên chế là câu chuyện không mới. Trong 10 năm qua, nước ta đã thực hiện 3 lần tinh giản biên chế nhưng chưa lần nào đạt được kết quả như mong muốn. Theo số liệu của Bộ Nội vụ, đến năm 2013, sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế lại tăng thêm 20%. Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ công chức hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Mặt khác, thực tế hiện nay, có tình trạng ở nhiều cơ quan nhà nước, số lượng đội ngũ cán bộ công chức đông nhưng không mạnh, thậm chí không đáp ứng được yêu cầu công việc. Mới đây, chủ trì hội nghị trực tuyến về cải cách thủ tục hành chính và công bố chỉ số hài lòng của người dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ: Một bộ phận cán bộ, công chức có tinh thần phục vụ kém, thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, tiêu cực trong khi việc kiểm tra, xử lý chưa quyết liệt, nghiêm túc... Và chính những hạn chế này đã và đang làm cản trở nỗ lực cải cách hành chính, làm chậm đi sự phát triển của đất nước. Trong đó có nguyên nhân do việc tuyển dụng đầu vào chưa thực sự chọn được người có tài. Bên cạnh đó, nhiều người tài không vào khu vực nhà nước do mức lương thấp, ít có chế độ đãi ngộ…
Mục tiêu tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CB, CC, VC là nhằm nâng cao chất lượng; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên đây cũng là công tác khó khăn, nhiều thách thức, đòi hỏi phải triển khai hiệu quả, đồng bộ các biện pháp, giải pháp. Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, ngày 17-4 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW của về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CB, CC, VC. Có thể nói, đây là Nghị quyết ban hành rất kịp thời, cấp thiết và có ý nghĩa.
Về tinh giản biên chế, Nghị quyết 39 xác định không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị; giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến hết năm 2016. Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng CB, CC, VC mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế CB, CC, VC đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định…
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đã chỉ ra việc tinh giản biên chế phải gắn liền với cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức để thông qua đó đảm bảo mục tiêu, quan điểm trong thực hiện tinh giản biên chế. Nghị quyết còn nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan tổ chức, đảm bảo tinh giản biên chế được thực hiện khách quan, công bằng, đúng người. Những người thuộc diện tinh giản biên chế phải được thực hiện chính sách tinh giản biên chế, thay vào đó có thể tuyển những người đáp ứng yêu cầu, có đủ phẩm chất, năng lực để thực hiện nhiệm vụ trong các cơ quan tổ chức.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của những đợt tinh giản biên chế trước, Nghị quyết 39 cũng đưa ra một loạt các giải pháp mang tính đồng bộ không chỉ đơn thuần là chính sách tinh giảm biên chế mà cả những giải pháp liên quan đến quản lý biên chế, giáo dục tuyên truyền để thống nhất nhận thức, cùng nhau thực hiện. Bên cạnh đó rà soát tổ chức bộ máy, đổi mới nội dung liên quan đến quản lý CB, CC, VC như xác định vị trí việc làm, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, đổi mới cơ chế đánh giá và phân loại công chức, viên chức.
Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CB, CC, VC đã và đang là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn nước ta hiện nay nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh của bộ máy nhà nước, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hạ Huyền