Hầu hết ý kiến nhất trí với dự thảo và cho rằng báo cáo đã khái quát được tình hình sát, đúng với thực tế của tỉnh; đánh giá trung thực và chính xác kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2010-2015; thống nhất cao với 19/25 chỉ tiêu đạt được.
Đồng chí Phan Hữu Đức,Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Một số ý kiến đề nghị nhấn mạnh thêm phần đánh giá về tình hình thuận lợi, khó khăn và đề ra những giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế-xã hội đảm bảo đúng định hướng, phù hợp với tình hình của tỉnh. Đa số ý kiến đề nghị nêu rõ chỉ tiêu nào đạt trong 3/9 chỉ tiêu kinh tế. Một số ý kiến đề nghị cần đánh giá, phân tích sâu kỹ hơn những nguyên nhân, hạn chế; trách nhiệm cụ thể ở ngành nào, lĩnh vực nào; đặc biệt là những chỉ tiêu chưa hoàn thành để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh đánh giá cao những góp ý đầy tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của các đại biểu đối với Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; Ủy ban MTTQVN tỉnh ghi nhận và báo cáo lên cấp trên.
Ông Trương Nghiệp Vũ,
Cán bộ hưu trí: Tôi nghĩ, nên nói là tăng cường xây dựng, phát triển kinh biển thành ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp thực tế hơn nói đó là động lực. Để làm được điều đó, báo cáo cần nhấn mạnh phải quản lý và quy hoạch lại vùng biển, quyết liệt bảo vệ môi trường biển vì biển có ý nghĩa sống còn với kinh tế tỉnh ta. Phải dành hẳn một mục cho kinh tế biển, trong đó nhấn mạnh vị thế xứng đáng của du lịch biển nhằm khai thác hiệu quả, bền vững các bãi biển đẹp ở tỉnh ta.
Về nông nghiệp, để phát triển các nông sản đặc thù như nho, tỏi, dê, cừu, trong phương hướng nhiệm vụ lần này phải nhấn mạnh việc đầu tư đúng mức hàm lượng khoa học công nghệ vào các nông sản ấy. Để hình thành bản sắc riêng Ninh Thuận, ý chí tự lực vươn lên, trong phương hướng nhiệm vụ phải xác định tạo cơ chế thông thoáng, tạo thuận lợi cho dân bung ra làm ăn, ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân cho họ có điều kiện đóng góp cho kinh tế tỉnh nhà phát triển.
Ông Đỗ Hữu Nghị
Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế - xã hội của UB MTTQVN tỉnh:Xét về tình hình thực tế của khai thác hải sản, du lịch biển ở tỉnh ta, không nên đưa kinh tế biển là động lực lên tiêu đề Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội, nhưng trong báo cáo phải có mục riêng nhấn mạnh về vai trò kinh tế biển trong phát triển kinh tế-xã hội.
Hiện nay chúng ta đang thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng trong báo cáo chưa đánh giá gì cụ thể về nông thôn mới, tôi đề nghị bổ sung đánh giá và xác định đầy đủ vai trò động lực của chương trình này. Để tạo lợi thế về công nghiệp trong điều kiện tỉnh nhà, tôi đề nghị phần phương hướng nhiệm vụ cần đề ra chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Thành Nhiên,
Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - pháp luật Ủy ban MTTQVN tỉnh:Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay thì cần đưa vào báo cáo chính trị giải pháp cụ thể, trọng tâm để đầu tư phát triển thủy lợi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chú trọng phát triển cây trồng đặc sản mang lại lợi ích kinh tế cao. Một mặt đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, có sức cạnh tranh thì phát triển kinh tế hộ cũng là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhưng trong điều kiện cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp-nông thôn được đẩy mạnh, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng, thu nhập của nông dân có cải thiện nhưng không đáng kể do bấp bênh về giá và thiếu sức cạnh tranh. Do đó, cần tạo được liên kết kinh tế hộ trong phát triển nông nghiệp theo từng loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương, hỗ trợ tiến bộ khoa học-kỹ thuật, qua đó giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời phục vụ xây dựng nông thôn mới nhanh và bền vững.
Bà Lê Thị Chinh
Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế- xã hội Ủy ban MTTQVN tỉnh:Trong dự thảo Báo cáo chính trị có đánh giá, phân tích kết quả, hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng cũng như đề ra giải pháp khắc phục cho nhiệm kỳ tới. Trong đó, có giải pháp chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên nhưng biện pháp như thế nào thì báo cáo chưa nói rõ còn mang tính chung chung. Do đó, tôi đề nghị trong phần giải pháp, cần đưa ra một cách cụ thể giải pháp xây dựng đội ngũ đảng viên đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng, trong đó phải xây dựng đội ngũ đảng viên có tính chiến đấu, tính tiền phong gương mẫu và có phẩm chất đạo đức vững vàng trước mọi khó khăn. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị bổ sung nội dung công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng trong công tác xây dựng Đảng bởi đây cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của tỉnh trong giai đoạn mới.
Bà Đỗ Thị Kiếm,
Thành viên Hội đồng Tư vấn về Kinh tế - xã hội của Ủy ban MTTQVN tỉnh:Tôi nhất trí với dự thảo báo cáo chính trị nhưng đề nghị bổ sung làm rõ một số nội dung để biết được tỉnh ta đang đứng ở vị trí nào như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo là theo tiêu chí nào và so sánh tỷ lệ giảm hộ nghèo với cả nước; tỷ lệ học sinh tiểu học 2 buổi/ngày là bao nhiêu, chưa có số liệu minh họa nhưng lại đề ra trong phương hướng mục tiêu là chưa hợp lý; nên có so sánh tình hình chung về tỷ lệ trường mầm non hiện nay với cả nước. Về đánh giá chất lượng nguồn nhân lực và hoạt động các khu công nghiệp, du lịch cần có dẫn chứng cụ thể.
Về phương hướng, nhiệm vụ, tôi đề nghị điều chỉnh giảm chỉ tiêu nâng độ che phủ rừng từ lên 50% xuống còn 48% để phù hợp với chỉ tiêu chung cả nước trong nhiệm kỳ tới. Về các nhóm giải pháp, cần nhấn mạnh thêm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Bạch Thương - Diễm My